Giáo dục

Tăng động lực đổi mới từ nguồn lực trường đại học

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương 19/05/2025 - 06:27

Những thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như 5.0 đã đặt ra nhu cầu chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình trường đại học khởi nghiệp với sự hợp tác giữa Chính phủ, ngành Công nghiệp và trường đại học để tăng cường động lực đổi mới.

Việc chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình trường đại học khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng học tập, thực hành của học sinh và sinh viên. Từ đó, đóng góp thiết thực vào sự thành công của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

sinh-vien.jpg
Hoạt động nghiên cứu thực hành của giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thực vậy, sức mạnh tri thức và nghiên cứu của thế hệ trẻ, đặc biệt ở cấp độ đại học luôn là một trong những nguồn lực quyết định sự thịnh vượng của đất nước. Việc chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình trường đại học khởi nghiệp để tăng cường động lực đổi mới là một trong những phương thức thực hiện hiệu quả lời dạy của Bác trong bối cảnh hiện nay.

Nhu cầu chuyển sang mô hình trường đại học khởi nghiệp

Giáo dục đại học đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc xác định mục đích tự chủ, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tổ chức linh hoạt cũng như trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của xã hội, môi trường và nền kinh tế. Điều này đặt ra bài toán nâng cao chất lượng học tập, thực hành của sinh viên cũng như đầu vào cho sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam…

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như 5.0 chứng kiến những bước biến chuyển nhanh chóng, mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức cùng những thách thức quan trọng như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm sáng tỏ, đặt ra những yêu cầu mới cho các hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới. Điều đó dẫn đến nhu cầu chuyển sang mô hình trường đại học khởi nghiệp với sự hợp tác đối tác giữa Chính phủ, ngành Công nghiệp và trường đại học để tăng cường động lực đổi mới.

Trường đại học khởi nghiệp là mô hình trường đại học mới nhằm cải thiện các cơ chế khác nhau của các nhà khoa học để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và tăng thu nhập của họ. Mặc dù vậy, thực tế có tồn tại sự không đồng nhất giữa các trường đại học khởi nghiệp, nhưng về lý thuyết và thực nghiệm có thể phát triển một mô hình hệ sinh thái 4 bên của trường đại học khởi nghiệp tham gia vào quá trình lan tỏa và thương mại hóa kiến thức.

Tích hợp hệ sinh thái 4 bên

Mô hình hệ sinh thái 4 bên (bên tạo điều kiện cho kiến thức; bên cung cấp kiến thức; bên mã hóa kiến thức; bên thúc đẩy lan tỏa kiến thức) đang được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho các trường đại học khởi nghiệp.

Trong đó, bên tạo điều kiện cho kiến thức gồm Chính phủ và ngành Công nghiệp. Ở đó, Chính phủ tạo điều kiện cho quá trình lan tỏa kiến thức từ trường đại học. Chính phủ tạo điều kiện cung cấp các điều kiện (pháp lý, chính sách, ưu đãi khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng, cấp phép công nghệ) và hỗ trợ tài chính ban đầu để bắt đầu nghiên cứu cho các trường đại học.

Về phía ngành Công nghiệp, mối quan hệ giữa trường đại học và ngành được hình thành thông qua hợp đồng nghiên cứu. Đây là một công cụ và kênh hiệu quả để lan tỏa kiến thức. Sự tồn tại của các hợp đồng với các doanh nghiệp ngành Công nghiệp ảnh hưởng tích cực đến xu hướng thương mại hóa trực tiếp nghiên cứu của trường đại học, cũng như sự tham gia của các nhà nghiên cứu vào các hoạt động kinh doanh, giúp tạo ra văn hóa kinh doanh tại trường đại học. Sau khi kiến thức được tạo ra, các trường đại học cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho ngành Công nghiệp.

Trong khi đó, bên cung cấp kiến thức gồm nhà nghiên cứu và sinh viên. Trong đó, về yếu tố nhà nghiên cứu, sau khi các cơ hội được tạo ra và các điều kiện của tổ chức được thiết lập sẽ dẫn đến sự lan tỏa tại nội bộ trường đại học. Các nhà khoa học chuyển giao kiến thức thông qua việc bán quyền sở hữu trí tuệ cũng như tạo ra các công ty con, công ty khởi nghiệp. Họ cũng là các nhà nghiên cứu chính, là doanh nhân khoa học.

Về yếu tố sinh viên, rõ ràng, sinh viên tốt nghiệp đại học là một trong những nguồn nhân lực lan tỏa quan trọng cho việc tạo ra các dự án kinh doanh mới tại các trường đại học. Khi nói đến các hoạt động nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp và nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ là những người tham gia quan trọng vào việc tạo ra kiến thức mới trong các dự án nghiên cứu và tạo ra quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng phải kể thêm, việc cấp phép bằng sáng chế là một trong những kênh mà qua đó kiến thức mới có thể được chuyển giao từ trường đại học sang ngành Công nghiệp, thông qua Văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO) và Văn phòng sở hữu trí tuệ (IP) - còn gọi là bên mã hóa kiến thức. Việc bán giấy phép cho các công ty là một cách để khai thác bằng sáng chế của trường đại học, mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho trường đại học.

Và đương nhiên, phải kể đến bên thúc đẩy lan tỏa kiến thức với sự xuất hiện của các công viên khoa học (SP) và vườn ươm doanh nghiệp (BI); nhà đầu tư mạo hiểm. Thực tế, khi kiến thức mới do các trường đại học tạo ra không được thương mại hóa chính thức thông qua bằng sáng chế, giấy phép, thì kiến thức đó có thể được sử dụng để thành lập các doanh nghiệp mới.

Mục tiêu chính của SP và BI là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức từ các học viện và viện nghiên cứu để tạo ra các công ty mới. SP tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn tài trợ nghiên cứu bên ngoài trường đại học cũng như thay đổi trọng tâm nghiên cứu của trường đại học theo hướng thương mại hơn.

Sự hỗ trợ do các BI cung cấp giúp mọi người hình thành ý tưởng của mình (không nhất thiết phải dựa trên kết quả nghiên cứu) và khởi nghiệp thành công, tạo điều kiện cho sự lan tỏa kiến thức. Sự hỗ trợ như vậy cho các công ty mới có thể bao gồm các hội thảo, cố vấn, tiếp cận các nhà đầu tư và tiếp cận các mạng lưới doanh nhân. Ngoài ra, BI cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, kiến thức và hỗ trợ quản lý. Mặc dù tác động của BI đối với khả năng tồn tại của doanh nghiệp mới phụ thuộc vào loại hình hỗ trợ được cung cấp nhưng nó tạo điều kiện cho việc thành lập các công ty bằng cách cung cấp dịch vụ ươm tạo.

Trong khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của một công ty. Các trường đại học có thể thương mại hóa kiến thức bằng cách thành lập các công ty mới và mua lại quyền sở hữu đối với phát minh sẽ thành công hơn trong việc tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm. Ngoài vốn tài chính, nhà đầu tư mạo hiểm cung cấp cho các doanh nhân học thuật tư vấn về quản lý và kỹ thuật để điều hành doanh nghiệp và cho phép tiếp cận mạng lưới kinh doanh của họ cũng như thị trường và ngành Công nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, trường đại học khởi nghiệp là một nguồn lực mới thúc đẩy phát triển tinh thần kinh doanh và là một sự thay đổi mạnh mẽ về mặt cấu trúc từ các sứ mệnh truyền thống như đào tạo và nghiên cứu sang thương mại hóa kiến thức mới dưới hình thức bằng sáng chế, giấy phép, các công ty khởi nghiệp…

Theo các chuyên gia, cần có các giải pháp thiết lập mô hình cụ thể cho việc tích hợp 4 bên trong hệ sinh thái phát triển trường đại học khởi nghiệp. Chắc chắn với nguồn lực trường đại học khởi nghiệp, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng học tập, thực hành của học sinh và sinh viên để đóng góp thiết thực vào sự thành công Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Qua đó, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và hướng tới thực hiện hiệu quả lời dạy của Bác, góp phần làm vẻ vang non sông Việt Nam.