Ứng dụng iHanoi: Công cụ hiệu quả trong xây dựng đô thị thông minh
Trong bối cảnh Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh, việc ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân trở thành yêu cầu cấp thiết.
Hòa nhịp với xu thế đó, ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” do Thành phố Hà Nội triển khai đã và đang trở thành một kênh tương tác hiệu quả, thân thiện giữa chính quyền và người dân.

Thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân
Chiều muộn, trong căn nhà nhỏ ở thôn Quang Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, bà Kiều Thị Hải cẩn thận lướt tay trên màn hình chiếc điện thoại thông minh - món quà con trai mới gửi về. Ở tuổi ngoài 60, việc làm quen với công nghệ là điều không dễ dàng với bà. Trước đây, mỗi lần nhìn thấy những biểu tượng lạ trên điện thoại, bà thường do dự, sợ bấm nhầm sẽ làm hỏng máy. Tuy vậy, sau vài buổi được cán bộ tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn tận tình, bà Hải bắt đầu quen dần.
“Lúc đầu tôi ngại lắm, nhưng các cháu chỉ từng chút một, giờ tôi biết cách vào iHanoi để xem tin tức và nghe thông tin về chuyện xóm, chuyện làng” - bà kể, ánh mắt không giấu được sự hài lòng.
Thì ra, để đưa ứng dụng iHanoi đến gần hơn với người dân, chính quyền huyện Ba Vì đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các buổi họp thôn, tổ dân phố được tận dụng làm nơi phổ biến thông tin về ứng dụng, đồng thời giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng được phân công đi từng nhà để hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng, đặc biệt chú trọng đến người cao tuổi và những người chưa quen với điện thoại thông minh. Chính sự đồng hành kiên nhẫn và gần gũi này đã góp phần giúp iHanoi dần trở thành công cụ hữu ích, quen thuộc với nhiều người dân địa phương.
Cứ thế, ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” len lỏi vào từng ngõ phố, từng nếp nhà ở Hà Nội, lặng lẽ nhưng đầy sức sống. Không màu mè, không phô trương, iHanoi chinh phục người dùng bằng chính sự đơn giản, thân thiện và gần gũi. Chỉ với vài thao tác đơn giản như tải ứng dụng từ App Store và đăng ký tài khoản, người dân đã có thể tiếp cận hàng loạt tiện ích thiết thực trên iHanoi. Từ tra cứu dịch vụ công, gửi phản ánh hiện trường, theo dõi bản đồ du lịch, đến thanh toán điện tử, gọi xe cấp cứu hay tra cứu thông tin trường học cho con - tất cả đều được tích hợp trong một nền tảng duy nhất, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
“Ứng dụng này như chiếc cầu nối giúp người dân đến gần chính quyền hơn” - chị Bùi Minh Phương (quận Cầu Giấy) chia sẻ sau khi trải nghiệm chuyên mục “Tiện ích đô thị thông minh” trên iHanoi. Theo chị Phương, ứng dụng tích hợp rất nhiều thông tin gắn liền với đời sống hằng ngày như y tế, giáo dục, du lịch, di sản văn hóa, đường dây nóng...
Không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, ứng dụng iHanoi còn đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh. Anh Lê Xuân Bình - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Nghiệp đoàn lái xe ô tô công nghệ Hà Nội - chia sẻ rằng, với vai trò là người điều hành một đơn vị vận tải, anh từng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, chủ yếu do phải chờ đợi lâu và đi lại nhiều lần.
Tuy nhiên, từ khi có ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, doanh nghiệp của anh đã có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục thông qua chuyên mục “Tiếp dân trực tuyến”. Thay vì đến trực tiếp cơ quan chức năng, anh chỉ cần tạo và gửi phiếu đăng ký trên ứng dụng. “Việc này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, nhất là với những người thường xuyên phải di chuyển như chúng tôi” - anh Bình nhận định.
Anh Bình cũng cho biết, sau quá trình tìm hiểu và sử dụng, anh đặc biệt đánh giá cao tính năng “Doanh nghiệp kiến nghị” được tích hợp trên ứng dụng iHanoi. Đây là một giải pháp thiết thực, cho phép doanh nghiệp gửi trực tiếp các kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Các phản ánh này được cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời, góp phần tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp.
“Với những tiện ích như vậy, tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ không còn cảm thấy ngần ngại khi tương tác với chính quyền. Thay vào đó, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự đồng hành, hỗ trợ và quyết tâm cải cách hành chính từ phía các cơ quan chức năng” - anh Bình chia sẻ.
Công cụ mới cho chính quyền số
Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực và đồng bộ triển khai ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi”. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Thủ đô, góp phần giúp người dân tiếp cận thuận tiện hơn với các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tạo kênh hiệu quả để gửi phản ánh, kiến nghị đến chính quyền.
Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, để đảm bảo việc triển khai iHanoi đạt hiệu quả cao, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo quyết liệt đến các phòng, ban, đơn vị, yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của quận phải hoàn thành 100% đăng ký tài khoản trên ứng dụng iHanoi. Bước đi này không chỉ giúp cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện tốt vai trò gương mẫu, mà còn thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt trong việc tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng và minh bạch.
Tại huyện Ba Vì, để đưa iHanoi trở thành công cụ hữu ích cho người dân, Ba Vì đã tiên phong trong việc triển khai 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cài đặt ứng dụng iHanoi trước 30-7-2024. Huyện cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác cài đặt ứng dụng ở các xã, thôn nhằm nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ những khó khăn của người dân trong quá trình sử dụng. Các xã như Ba Vì, Cẩm Lĩnh, Đông Quang, Thuần Mỹ, Thái Hòa, Phong Vân... đã đạt tỉ lệ cài đặt ứng dụng cao. Đặc biệt, Ba Vì đặt mục tiêu vào giữa năm 2025, sẽ có 100% người dân trong độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh cài đặt iHanoi, đưa ứng dụng này trở thành công cụ quan trọng trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây.
Tương tự, ở thị xã Sơn Tây, nhằm bảo đảm việc ứng dụng iHanoi được triển khai một cách hiệu quả, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát các thủ tục hành chính trên nền tảng iHanoi. Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ rằng, việc kiểm soát thủ tục hành chính và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua ứng dụng iHanoi sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động của chính quyền địa phương.
Rõ ràng, Thành phố Hà Nội đang từng bước vững chắc trên hành trình xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Tuy nhiên, để công cuộc chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu và lan tỏa trong đời sống xã hội, không chỉ cần công nghệ hiện đại mà còn cần sự lắng nghe, đồng hành và sẻ chia. Và chính iHanoi - một ứng dụng nhỏ gọn nhưng nhiều tiện ích - đang âm thầm làm được điều đó: Đưa công nghệ đến gần hơn với cuộc sống thường ngày của người dân, từ những bạn trẻ thành thạo công nghệ đến cả những cụ già vốn e ngại với chiếc điện thoại thông minh.
Chẳng thế mà từ con phố cổ nhộn nhịp đến vùng xa ngoại thành Ba Vì, Sóc Sơn... iHanoi không chỉ là một ứng dụng mà còn là một kênh giao tiếp hiện đại, là sợi dây kết nối con người với nhau, kết nối giữa chính quyền và công dân, giữa hiện đại và truyền thống, giữa công nghệ và cảm xúc.
Khi một cụ già ở Ba Vì có thể chủ động gửi ý kiến về tình trạng rác thải trong thôn, một bà mẹ trẻ dễ dàng tra cứu thông tin trường học cho con chỉ với vài thao tác, khi người dân có thể nhanh chóng phản ánh sự cố giao thông hoặc tìm được bệnh viện gần nhất trong tình huống khẩn cấp... thì đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một Hà Nội đang “sống số” - nhưng vẫn giữ được hơi thở đời sống chân thật. Chuyển đổi số không còn là điều gì xa vời hay trừu tượng. Với iHanoi, công nghệ đã gõ cửa từng nhà, chạm đến từng trái tim - và điều quan trọng nhất, nó đang khiến người dân cảm nhận rõ rằng mình được lắng nghe, được quan tâm và thực sự đồng hành trong hành trình xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.