Trung Quốc "hồi hương" sách lụa 2.300 năm tuổi từ Mỹ
Ngày 18-5, truyền thông Trung Quốc đưa tin, các cuốn sách lụa Zidanku (Sở bác thư) ước tính hơn 2.300 năm tuổi đã được "hồi hương" sau khi bị lấy đi một cách bất hợp pháp từ Trung Quốc vào năm 1946.

Hai cuốn sách lụa 2.300 năm tuổi - cổ xưa nhất từng được biết đến ở Trung Quốc - đã được đưa từ Mỹ về tới Bắc Kinh vào sáng 18-5 (giờ bản địa), kết thúc hành trình lưu lạc kéo dài 79 năm ở nước ngoài.
Các sách lụa Sở bác thư được xác định có niên đại từ khoảng năm 300 trước Công nguyên, tức là vào thời kỳ Chiến Quốc. Sở là một quốc gia thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Sở bác thư là tập hợp các văn bản về triết học, thiên văn và y học của Trung Quốc cổ đại.
Đây được coi là những tác phẩm kinh điển cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc. Chúng lâu đời hơn 1 thế kỷ so với các Cuộn sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls) - vốn được xem là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.
Trong dịp này, tập II và III của bộ sách ba tập đã được chuyển từ Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia châu Á (thuộc Viện Smithsonian của Mỹ) về Trung Quốc.
Trong khi đó, tập I, một tác phẩm lớn và hoàn chỉnh hơn, vẫn đang thuộc sở hữu tư nhân của Quỹ Arthur M. Sackler. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, Bắc Kinh vẫn đang tiến hành những nỗ lực cần thiết để đưa tập I trở về.

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, các cuốn sách nói trên được khai quật bất hợp pháp vào năm 1942 từ một ngôi mộ ở Zidanku (miền Trung Trung Quốc).
Một nhà sưu tập Trung Quốc sau đó đã mua lại các bản thảo này. John Hadley Cox, một nhà sưu tập người Mỹ, đã đưa chúng ra khỏi Trung Quốc bất hợp pháp vào năm 1946. Các bản thảo được tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia châu Á vào năm 1992.
Việc "hồi hương" cổ vật 2.300 tuổi lần này diễn ra sau những nỗ lực ngoại giao của Cơ quan Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc. Các cuộc đàm phán được khởi động chính thức sau khi Viện Smithsonian vào năm 2022 công bố chính sách trao trả các cổ vật mà họ "sẽ không có được theo tiêu chuẩn đạo đức ngày nay".
(Theo SCMP, Tân Hoa Xã)