Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): “Trông nhà, giữ vườn” và học theo Bác
Sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, Người khước từ ở trong ngôi nhà sang trọng trong Phủ Toàn quyền thời Pháp thuộc mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ rồi đề nghị làm căn nhà sàn nhỏ đơn sơ để chuyển sang ở và gắn bó với vườn cây, ao cá nơi đây đến cuối cuộc đời.
Ngôi nhà, khu vườn của Bác luôn được quan tâm, chăm sóc đặc biệt không chỉ để gìn giữ cho muôn đời sau mà còn như lời nhắc nhở mỗi người về phong cách sống giản dị, hết mình vì dân, vì nước của Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Bác như vẫn ở ngay bên
Những ngày tháng 5 lịch sử, đúng dịp sinh nhật Người, dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích Phủ Chủ tịch) càng đông hơn, bất chấp cái nắng oi bức đầu hè đã ập đến. Các cán bộ, nhân viên của Khu Di tích cũng tất bật, vất vả hơn với công việc thường nhật và phục vụ du khách trong nước, quốc tế.
Trong hành trình tham quan theo hướng dẫn viên, tôi chợt thấy và chú ý tới nhóm nhân viên lặng lẽ đi kiểm tra từng gốc cây, cắt cỏ, xới đất... trong khu vườn. Hỏi chuyện một phụ nữ đang kiểm tra cây vú sữa trồng sát nhà sàn, được biết đó là Phó Trưởng phòng Bảo quản, Môi trường Di tích (Khu Di tích Phủ Chủ tịch) Nguyễn Thị Hà. Chị Hà cho biết, việc kiểm tra, chăm sóc cây cối, nhất là những cây do chính tay Bác trồng, chăm sóc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cây vú sữa này do đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và được Bác trồng, chăm sóc. Ban đầu, cây được trồng ở cạnh căn nhà 54 nhưng khi nhà sàn hoàn thành, Bác chuyển cây sang sát nhà sàn để hằng ngày chăm sóc như thấy đồng bào miền Nam ngay bên cạnh. Với sự chăm sóc đặc biệt của Người, dù ưa thời tiết nắng nóng miền Nam, nhưng khi ra Bắc cây vẫn trổ hoa, ra trái. “Đến nay, do đã quá già cỗi nên cây mới không ra quả” - chị Hà cho biết. Thế nhưng, đây vẫn là một trong những cây trồng được ưu tiên quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cán bộ, nhân viên Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Hằng năm, vào tháng 11 - 12, cán bộ, nhân viên sẽ đào rãnh quanh tán cây để bón phân hữu cơ, phân tổng hợp nhằm cung cấp dinh dưỡng, khoáng chất, vi lượng cho cây. Ngoài ra, cây còn được bổ sung dinh dưỡng bằng các chế phẩm sinh học qua lá để tiếp tục tỏa bóng bên cạnh ngôi nhà sàn của Bác.
Được biết, trong khuôn viên Khu Di tích có 46 thảm cây xanh với gần 2.000 cây, trong đó có những cây mang nhiều ý nghĩa, kỷ niệm sâu sắc về Bác như cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng, cây “bụt mọc”, cây đa “kiên trì”, cây xoài... Cùng với vườn cây là Ao cá Bác Hồ diện tích 3.200m2, có trữ lượng khoảng 4-5 tấn cá thuộc 14 loài khác nhau. Để duy trì và ổn định cảnh quan, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã sử dụng các biện pháp như điều chỉnh kết cấu không gian xanh bằng việc cắt tỉa, tạo tán cho phù hợp, phân bố ánh sáng đều cho các loại cây. Ao cá cũng thường xuyên được đo lường chất lượng nước để bảo đảm điều kiện sống tốt nhất, chống các loại nấm, vi khuẩn ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của cá. Chị Nguyễn Thị Hà cho biết, Phòng Bảo quản, Môi trường Di tích có 22 cán bộ, nhân viên, trong đó bộ phận trong nhà có 9 người, bộ phận ngoài trời là 13 người. Khối lượng công việc là không hề nhỏ, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bên cạnh việc chăm sóc cây cối, cán bộ, nhân viên bộ phận còn đảm trách công tác quét dọn, vệ sinh môi trường sạch sẽ để phục vụ khách tham quan. Tuy có chút vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ như có Bác đang ở bên, động viên, chỉ bảo cách chăm sóc cây cối mỗi ngày. Khi cần thiết, các cán bộ ngành Nông nghiệp, Thủy sản sẽ tới hỗ trợ xử lý sâu bệnh, chăm sóc vườn cây, ao cá.
Phát huy giá trị hiện vật trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đến thăm nhà sàn của Bác trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai nấy đều không khỏi xúc động. Một lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới chỉ ở trong căn nhà sàn đơn sơ chủ yếu làm bằng gỗ nhóm 4, trong phòng làm việc chỉ có chiếc bàn gỗ, ghế mây, đèn bàn, giá sách. Phòng ngủ cũng chỉ giản dị, đơn sơ như giường gỗ trải chiếu cói (mùa hè), thêm nệm vải vào mùa đông, quạt mo cau, chiếc radio của bà con Việt kiều Thái Lan tặng Bác... Cũng không nhiều người biết trên giá sách trong phòng làm việc của Bác có một chiếc hộp sơn mài đặc biệt mà khi Bác còn sống trong đó đựng gì? Sau khi Người qua đời, qua kiểm kê, mới biết, trong đó không có vàng bạc châu báu, mà là tấm ảnh chụp mộ phần cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Người - ở Đồng Tháp; một bức điện gửi từ Nghệ An báo tin ông Cả Khiêm qua đời và một số thiệp chúc Tết. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cảm xúc: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”. Còn cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm không chỉ để tham quan du lịch mà còn là nơi mỗi lần đến, ta học Bác, tự kiểm điểm lại mình và định ra hướng để sửa chữa thế nào. Thời gian càng lùi xa càng thấy sự vĩ đại của Bác, càng ngày càng chinh phục lòng người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phẩm chất của Bác lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước mà đối với cả quốc tế”. Điều đó càng cho thấy việc “giữ nhà, trông vườn” bảo quản di tích, hiện vật tại Khu Di tích có ý nghĩa quan trọng thế nào trong phục vụ du khách, giáo dục truyền thống, đạo đức cho các thế hệ sau.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Giám đốc Khu Di tích, cho biết: Toàn bộ khu có 13 di tích bất động sản. Tổng số tài liệu, hiện vật thuộc các di tích là hơn 1.700 đầu hiện vật, với gần 4.000 đơn vị hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Hiện nay, Khu Di tích đang trưng bày gần 1.000 đầu hiện vật, với 1.858 đơn vị hiện vật... Khu Di tích là di sản quý báu về nơi ở, làm việc, sinh hoạt đến những giây phút cuối đời của Người, bởi vẫn giữ nguyên trạng như khi Người còn sống. Chính vì thế, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích mang tính đặc thù trong một không gian mở, vừa trong nhà, vừa ngoài trời, vừa bảo quản, vừa phục vụ du khách tham quan. Theo ông Dương, mọi công tác chuẩn bị đều được tiến hành kỹ lưỡng từ 4h30 sáng và phải hoàn thành trước 7h00 (mùa hè) và 7h30 (mùa đông) để tiếp đón những du khách tham quan đầu tiên. Hơn thế nữa, nơi đây cũng thường xuyên đón tiếp những đoàn khách quốc tế quan trọng của Đảng, Nhà nước mỗi khi đến thăm và làm việc tại nước ta. Do vậy, ngoài bảo quản, giữ gìn, mọi công tác khác như vệ sinh, hướng dẫn... đều phải kỹ lưỡng, chu đáo và trọng thị.
Để đáp ứng được yêu cầu, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên cũng được Khu Di tích đặc biệt chú trọng. Nếu như trước năm 1992, Khu Di tích chỉ có 2 phòng công tác chuyên môn, với hơn 20 cán bộ trong đó chỉ 50% có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thì đến nay đã có hơn 90 cán bộ, nhân viên, người lao động, trong đó 23 cán bộ có trình độ trên đại học, 52 người có trình độ đại học, cao đẳng. Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng bảo quản, giữ gìn di tích, hiện vật mà còn giúp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, công tác tuyên truyền, giáo dục học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo ông Dương, Khu Di tích cũng đang nỗ lực đẩy nhanh số hóa di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc ứng dụng công nghệ, thực hiện định dạng số về hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của từng hiện vật, vườn cây, ao cá. Đây được xem là phương thức, giải pháp đột phá để thay đổi trải nghiệm văn hóa và làm cho di sản ngày càng hấp dẫn, đến gần với công chúng hơn.