Y tế

Vụ phát hiện 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả: Khả năng không có sản phẩm là thuốc

Theo Báo Tin tức 18/05/2025 - 12:49

Bộ Y tế đang tiến hành kiểm tra, rà soát các sản phẩm trong vụ công an Hà Nội triệt phá 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả.

Chú thích ảnh
Hàng loạt các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá. Ảnh: C.A

Trước sự việc vừa qua Công an Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm sản xuất thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả; về phía trách nhiệm của Bộ Y tế, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết: Ngay khi có thông tin báo chí phản ánh về vụ việc trên, Cục Quản lý Dược đã có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, báo cáo về vụ việc thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Theo đó, qua đánh giá sơ bộ các hình ảnh được đăng tải về các mặt hàng của các đối tượng bị công an thu giữ, khả năng trong các sản phẩm này không có sản phẩm thuốc mà là thực phẩm chức năng.

Về việc các sản phẩm vi phạm trên đã len lỏi được vào các bệnh viện, ông Tạ Mạnh Hùng cho rằng: Việc kiểm duyệt với thuốc rất khắt khe, chặt chẽ nên khó vào được nhà thuốc bệnh viện. Sản phẩm thuốc để vào được bệnh viện phải có hồ sơ năng lực của đơn vị dự thầu, hồ sơ kỹ thuật của thuốc dự thầu; đơn vị dự thầu bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, có tên trên hệ thống thầu quốc gia; thuốc dự thầu phải được cấp giấy đăng ký lưu hành, thông tin số đăng ký, nhãn thuốc, hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất... phải giống với thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành của Bộ.

Còn với thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả thì có khả năng hơn, vì các sản phẩm này chưa có quy định chặt chẽ như thuốc. Bộ Y tế cũng đang cho tiến hành kiểm tra việc này.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, Bộ Y tế cũng vừa đề nghị các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm tháng 5 về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Ban Chỉ đạo 389 địa phương, y tế, công an, quản lý thị trường… đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn.

Các tỉnh, thành phố kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc, nhằm ngăn chặn, xử lý và kiến nghị khởi tố trong trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Các cơ quan, đơn vị phổ biến tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, các quy chế, quy định, quy trình công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ; tuyệt đối không chịu tác động, ảnh hưởng, không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng theo quy định của pháp luật.

Công chức, viên chức chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn.

Trước đó, ngày 16-5, Phòng cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, địa chỉ số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu, thu giữ trên 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả.