Giao thông

Cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong giờ cao điểm tại khu phố cổ: Có chuyển biến nhưng còn bất cập

Ðăng Khoa 17/05/2025 06:36

Sau hơn 2 tháng (từ ngày 1-3) Thành phố Hà Nội thí điểm cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động ở các tuyến phố khu vực phố cổ và hồ Gươm trong giờ cao điểm đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực về tình hình giao thông.

Tuy nhiên, chính sách này cũng nhận được những phản hồi đa chiều từ người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia.

pho-gia-ngu.jpg
Tình trạng ùn tắc tại phố Gia Ngư, nơi có nhiều khách sạn tư nhân, đã giảm hẳn so với trước đây.

Những “điểm cộng” không thể phủ nhận

Buổi sáng trên phố Hàng Gai, chị Nguyễn Thị Mai - chủ một cửa hàng quần áo nhỏ, cẩn thận kê lại ma-nơ-canh ra sát mép vỉa hè. Chị vui vẻ chia sẻ: “Hồi trước, vào giờ này, đường đông nghịt xe du lịch, khách bộ hành chẳng có lối mà đi. Giờ thì thoáng hơn hẳn. Vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, khách ghé cửa hàng cũng không còn bị che khuất bởi những chiếc xe to đỗ nghênh ngang trước cửa”. Không giấu được niềm vui, chị nói thêm rằng không gian phố cổ như được “thở” trở lại.

Thực tế, nhiều người dân tại khu vực cũng đồng tình rằng, không chỉ người đi bộ được hưởng lợi mà hoạt động kinh doanh cũng trở nên thuận lợi hơn, khi khách tiếp cận với cửa hàng dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Đối với du khách, một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất tại khu vực phố cổ là không gian trở nên thoáng đãng, ít ùn tắc hơn. Chị Lê Minh Thu, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Lần đầu đến Hà Nội, tôi thật sự bất ngờ trước sự thay đổi của khu phố cổ. Trước đây, tôi nghĩ sẽ rất khó để đi bộ vì mật độ xe đi lại quá đông, nhưng giờ thì thoáng hơn rất nhiều. Tôi có thể thong thả dạo chơi, cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội mà không bị xe cộ làm phiền”.

Theo chị Thu, đây là một “điểm cộng” lớn cho chính sách cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong giờ cao điểm tại phố cổ, cho thấy thành phố đang nỗ lực rõ rệt trong việc bảo vệ không gian sống và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển du lịch.

Vẫn còn những vướng mắc

Dù thừa nhận việc cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong giờ cao điểm tại phố cổ đã góp phần giảm ùn tắc ở khu phố cổ, ông Trần Quốc Phú - cư dân lâu năm trên phố Hàng Buồm - cho rằng chính sách này vẫn còn thiếu linh hoạt. “Không ít hoạt động như đưa đón người đi đám cưới, đám tang hay tổ chức sự kiện tập thể đều cần xe ô tô trên 16 chỗ. Nhưng vì xe không được vào đúng giờ cao điểm nên người dân phải xoay xở bằng nhiều chuyến nhỏ, vừa tốn thời gian, vừa phát sinh thêm chi phí” - ông chia sẻ.

Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, quy định mới còn khiến nhiều người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú gặp khó khăn. Chị Vũ Thị Bích, chủ một homestay nhỏ trên phố Hàng Đường, chia sẻ: “Kể từ khi lệnh cấm được áp dụng, số lượng khách hủy phòng đã tăng đáng kể. Những khách du lịch “Tây ba lô” còn dễ chấp nhận, nhưng nhiều khách Hàn Quốc và Trung Quốc mang theo hành lý nặng, phải đi bộ hàng cây số dưới cái nắng oi ả nên cảm thấy khó chịu. Thậm chí có người vừa đến đầu phố đã gọi điện yêu cầu hủy phòng”.

Thực tế cho thấy, phần lớn người dân ủng hộ chủ trương giảm tải giao thông và giữ gìn bản sắc khu phố cổ. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng không nên chỉ dừng lại ở việc ban hành lệnh cấm, mà cần triển khai các giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với đời sống hằng ngày.

Chị Nguyễn Thùy Chi, cư dân phố Mã Mây, bày tỏ: “Việc cấm xe ô tô trên 16 chỗ đón trả khách trong giờ cao điểm tại phố cổ là cần thiết để giảm ùn tắc. Nhưng nếu không có hệ thống trung chuyển hiệu quả thì người dân sẽ gặp nhiều bất tiện. Đường có thông thoáng, nhưng khách du lịch lại không biết di chuyển ra sao, đi bằng phương tiện gì để vào phố cổ”.

Cần thêm giải pháp hỗ trợ hiệu quả

Trên thực tế, nhằm hỗ trợ người dân và du khách di chuyển thuận tiện hơn, Sở Xây dựng Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện giao thông. Thành phố đã xây dựng phương án tổ chức giao thông rõ ràng, lắp đặt hệ thống biển báo chi tiết từ khi bắt đầu thí điểm, đồng thời thiết lập 4 điểm trung chuyển tại các vị trí chiến lược gồm phố Bà Triệu, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng và khu vực chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, kết quả bước đầu vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Để giải quyết những bất cập nảy sinh từ quy định cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong giờ cao điểm tại phố cổ, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, việc giảm tải giao thông tại khu vực này là cần thiết và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để chính sách thực sự bền vững, các cơ quan chức năng cần đồng thời phát triển một hệ thống trung chuyển hiệu quả. Ông đề xuất: “Có thể xem xét triển khai các tuyến xe điện, xe buýt mini hoặc thậm chí là dịch vụ xe ôm công cộng, nhằm hỗ trợ cư dân và du khách di chuyển dễ dàng hơn trong khu vực cấm xe lớn”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng khuyến nghị cần xây dựng các trạm dừng đón khách tại các cửa ngõ ra vào phố cổ, đặc biệt để phục vụ những đoàn khách đông. Các phương tiện lớn không cần phải vào sâu trong phố cổ, mà có thể trả khách tại điểm trung chuyển, từ đó giúp giảm tải đáng kể cho khu vực trung tâm. Ngoài giải pháp hạ tầng, ông cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông và giáo dục cộng đồng. Theo ông, cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi hành vi người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp công cộng hoặc đi bộ trong phạm vi gần.

Dưới góc độ du lịch, TS Bùi Văn Niên - giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Đại Nam - cho rằng việc cấm xe 16 chỗ đón khách trong giờ cao điểm tại phố cổ không chỉ là một giải pháp giao thông, mà còn tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch tại Hà Nội. Theo ông, phố cổ là điểm đến đặc biệt thu hút du khách quốc tế, và việc hạn chế xe lớn góp phần bảo tồn vẻ đẹp, không gian cổ kính đặc trưng của khu vực này.

Tuy nhiên, TS Bùi Văn Niên cũng lưu ý rằng sự thay đổi này có thể làm giảm mức độ tiện lợi đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài chưa quen với hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội. Do đó, ngoài việc cải thiện phương tiện công cộng, Thành phố cần đẩy mạnh các giải pháp truyền thông, cung cấp thông tin rõ ràng về các tuyến đường, điểm trung chuyển và phương tiện thay thế để du khách dễ dàng tiếp cận và di chuyển. Ông cũng nhận định, nếu được tổ chức hợp lý, ngành Du lịch hoàn toàn có thể tận dụng sự thay đổi này để phát triển những sản phẩm mới, như tour đi bộ hoặc xe đạp trong phố cổ. Đây là cơ hội để du khách không chỉ tham quan mà còn có trải nghiệm gần gũi, sâu sắc hơn với đời sống, văn hóa Hà Nội.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những lợi ích về môi trường mà quy định cấm xe ô tô trên 16 chỗ hoạt động trong giờ cao điểm tại khu vực phố cổ mang lại. Việc hạn chế phương tiện lớn đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, cải thiện chất lượng không khí và tạo điều kiện để người dân cũng như du khách tận hưởng vẻ đẹp Hà Nội trong một không gian trong lành, dễ chịu hơn.

Theo TS Bùi Văn Niên, chính sách này không chỉ là biện pháp điều tiết giao thông, mà còn là cơ hội để phát triển du lịch theo hướng bền vững: “Việc cải thiện không gian và giảm thiểu phương tiện lớn không chỉ giúp bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Hà Nội”.

Có thể nói, việc cấm xe ô tô trên 16 chỗ đón trả khách trong giờ cao điểm tại khu phố cổ là một bước đi quyết liệt, thể hiện quyết tâm của Thành phố trong việc giảm áp lực giao thông, gìn giữ bản sắc đô thị và nâng cao chất lượng không gian sống. Mặc dù thực tế triển khai vẫn còn những băn khoăn và vướng mắc, nhưng đây chính là cơ hội để cả chính quyền và người dân cùng nhìn lại, cùng điều chỉnh và thích nghi. Mọi sự thay đổi đều cần thời gian và sự lắng nghe. Khi chính quyền chủ động hoàn thiện giải pháp, người dân tích cực góp ý và đồng hành, thì những chính sách dù khó cũng sẽ dần đi vào cuộc sống một cách hài hòa và hiệu quả.