Xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn
Theo dòng chảy mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang 100 năm, đã và đang chuyển mình tạo nên một kỷ nguyên thông tin mới.
Đặc biệt, hệ thống báo Đảng với vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, luôn tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra những sản phẩm báo chí đa phương tiện, hấp dẫn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Chớp thời cơ chuyển đổi số toàn diện
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6-4-2023, khẳng định: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là trào lưu mà cần được lan tỏa, triển khai đến các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương, để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất.
Chuyển đổi số trong báo chí hiện không còn dừng ở việc số hóa nội dung hay mở rộng kênh phân phối qua nền tảng số, mà đang đi sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), phân tích hành vi người dùng để tối ưu hóa nội dung, cá nhân hóa thông tin và nâng cao tính tương tác.
Theo báo cáo của Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2024, gần 70% cơ quan báo chí đã bước đầu triển khai chuyển đổi số, trong đó hơn 30% đã xây dựng chiến lược bài bản, dài hạn. Cũng theo kết quả đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 do Cục Báo chí cung cấp, với 282 đơn vị thực hiện đánh giá, đo lường (trong đó có nhiều báo đài lớn - chiếm hơn 90% thị phần người đọc, xem, nghe và 90% thị phần quảng cáo trên báo đài cả nước), thì có 28 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc, 65 đơn vị đạt mức tốt, 55 đơn vị đạt mức khá...
Một số cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Vietnamnet, Thanh Niên... đã tiên phong và thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như AI, IoT, Cloud, Big Data... Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy mạnh việc xây dựng tòa soạn thành báo chí đa phương tiện với nhiều nội dung số được triển khai trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube, TikTok..., qua đó mở rộng đối tượng độc giả.
Báo Đảng tiên phong, chủ động và nhiều bước tiến
Hệ thống báo Đảng được xác định là lực lượng chủ lực trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, định hướng dư luận xã hội. Trong tiến trình chuyển đổi số, báo Đảng đóng vai trò then chốt trong việc giữ vững “trận địa thông tin” trên không gian mạng.
Những năm qua, nhiều cơ quan báo Đảng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực này, điển hình là Báo Nhân Dân. ấn tượng nhất là năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân đã xây dựng phụ san panorama và triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ gây tiếng vang trên cả nước. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, với việc tổ chức triển lãm tương tác và phát hành miễn phí phụ san về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có tích hợp công nghệ số, Báo Nhân Dân đã tạo nên cơn “sốt” thu hút công chúng, phát hơn 100.000 bản phụ san, đưa hàng nghìn lượt người tham gia triển lãm, trở thành cầu nối thế hệ hôm nay với lịch sử hào hùng của cha ông.
“Với vai trò là cơ quan báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước, của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, người làm báo Nhân Dân luôn tâm niệm phải có những cống hiến xứng đáng để tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước. Điều quan trọng hơn nữa, phải có những sáng tạo, tạo sự thu hút với độc giả” - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ.
Học tập kinh nghiệm từ Báo Nhân Dân, một số báo Đảng địa phương như Báo Hà Nội mới, Báo Khánh Hòa, Báo Lào Cai, Báo Nghệ An, Báo Hải Dương... đã đẩy mạnh sáng tạo, chuyển sang mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung đồng bộ trên nhiều nền tảng báo in, báo điện tử, mạng xã hội, ứng dụng mobile... Với vị trí là tờ báo Đảng địa phương có quy mô lớn nhất cả nước, Báo Hà Nội mới còn tiên phong, chủ động trong việc sản xuất nội dung đa phương tiện, tích hợp video, podcast, infographic và tối ưu hóa khả năng tìm kiếm qua các công cụ SEO.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới cho rằng, dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng số đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với báo chí Việt Nam là phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. “Hệ thống báo Đảng, với vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, phải tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí, tạo ra những sản phẩm báo chí đa phương tiện, hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” - nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ, nhiều nhóm giải pháp
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ thách thức lớn nhất đối với các cơ quan báo chí là vấn đề tư duy: “Chuyển đổi số không phải thuần túy chuyển đổi về công nghệ mà chính là thay đổi về mặt tư duy. Khi người lãnh đạo đứng đầu thay đổi về tư duy thì sẽ tạo sự thay đổi trong toàn bộ tòa soạn, đến với từng phóng viên, biên tập viên”. Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, không có một mô hình chung nào cho các tòa soạn và việc chuyển đổi số thành công hay không phải xuất phát từ nỗ lực tự thân của chính các cơ quan báo chí.
Ở góc độ cơ quan báo Đảng địa phương, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới cho rằng, những người làm báo trong kỷ nguyên số phải đối mặt với 3 vấn đề. Đó là nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí. Nếu có nội dung, có công nghệ nhưng không mang lại kinh tế báo chí thì không thể tồn tại. Với cơ quan báo Đảng, trong quá trình chuyển đổi số phải vừa giữ vững tôn chỉ, mục đích, vừa đổi mới phương thức truyền tải thông tin, thu hút bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo kinh nghiệm của các cơ quan báo chí mạnh về chuyển đổi số, để thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống báo chí nói chung và báo Đảng nói riêng, cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý cụ thể cho chuyển đổi số báo chí, trong đó có cơ chế tài chính linh hoạt để thuê dịch vụ công nghệ, xã hội hóa đầu tư hạ tầng số... Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyển đổi số, khuyến khích sáng tạo nội dung số, quy định rõ ràng về quyền sở hữu nội dung và chia sẻ doanh thu với nền tảng xuyên biên giới. Các cơ quan báo chí, nhất là hệ thống báo Đảng cũng cần xây dựng kho dữ liệu số (data hub), ứng dụng AI trong phân tích tin giả, gợi ý tiêu đề, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung chính luận, phù hợp với tâm lý, ngôn ngữ của độc giả trên môi trường số.
Cùng với đó, bản thân những người làm báo, đặc biệt là tại cơ quan báo Đảng phải luôn nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, chủ động tham gia đào tạo và tự đào tạo về nghiệp vụ, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới để sáng tạo những tác phẩm báo chí chuẩn mực về nội dung, chuyên nghiệp và hấp dẫn trong cách thức thể hiện, từ đó góp phần cùng cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, xứng tầm.
Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc mở rộng lần thứ 30 với chủ đề “Phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới” do Báo Hà Nội mới đăng cai tổ chức từ ngày 15 đến 17-5, tại Hà Nội, có sự tham gia của hơn 30 cơ quan báo Đảng các tỉnh phía Bắc, và một số tỉnh, thành phố tiêu biểu trên cả nước cùng đại diện các cơ quan báo Đảng Trung ương. Đây là diễn đàn quan trọng để các cơ quan báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hay trong công tác báo chí và quá trình chuyển đổi số.
