Đời sống

Tiệm giặt là thắp sáng ước mơ người khuyết tật

Minh Nguyệt - Hà Trang 16/05/2025 - 09:30

Không chỉ tạo việc làm cho người khuyết tật, mô hình “Giặt là sẻ chia” còn góp phần khơi dậy sự tự tin, giúp họ nhận ra giá trị bản thân và có đóng góp tích cực cho cộng đồng.

gl1.jpg
Nhờ anh Hiểu (bên trái) động viên, chị Thơm - nhân viên tiệm giặt đã tiết kiệm hai năm và trở thành đồng sáng lập cơ sở Triều Khúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vượt qua định kiến

Anh Đỗ Văn Hiểu (33 tuổi, quê Hưng Yên) - người sáng lập “Giặt là sẻ chia” cho biết, tháng 12-2020, cửa hàng giặt là đặc biệt, nơi phần lớn nhân viên là người khuyết tật đã được anh lập ra tại số 46 ngõ 354 Trường Chinh. Cơ duyên bắt đầu khi một bạn khuyết tật tìm đến xin việc và bị từ chối, nhưng chính hình ảnh ấy đã ám ảnh anh nhiều ngày, để rồi từ đó anh quyết tâm mở ra một hành trình đầy nhân văn.

Giải thích về tên gọi và ý nghĩa của cửa hàng, anh Hiểu chia sẻ: “Đó là cái tên tôi dành rất nhiều tâm huyết. Dòng chữ “Tiệm giặt người khuyết tật” bên cạnh tên chính không chỉ là thông tin, mà còn là lời nhắn gửi. Tôi muốn khách hàng hiểu và cảm thông bởi các bạn rất nỗ lực, nhưng vì khiếm khuyết cơ thể, đôi lúc công việc có thể chậm hơn bình thường. Nếu được thấu hiểu, họ sẽ bớt đi những tổn thương mà cuộc đời đã dành cho họ”.

Khác với những cơ sở giặt là thông thường, "Giặt là sẻ chia" không chỉ đối mặt với áp lực kinh doanh mà còn là hành trình thích nghi với thể trạng riêng biệt của từng nhân sự.

Anh Đỗ Văn Hiểu thông tin thêm: “Mỗi bạn yếu thế lại có một thể trạng và gặp những vấn đề khác nhau. Có người gặp khó về giao tiếp, có người thì bị liệt tay. Tuy nhiên, tùy khả năng của từng bạn, tôi sẽ sắp xếp vào đúng vị trí phù hợp”.

Vào những ngày đầu thành lập, “Giặt là sẻ chia” phải đối diện với định kiến xã hội về khả năng lao động của người khuyết tật cùng những lời gièm pha. Nhiều người nhận định anh Hiểu mượn danh người khuyết tật để trục lợi, nhưng ít ai biết rằng bản thân anh Hiểu đã chấp nhận bù lỗ để giúp đỡ họ.

gl2.jpg
“Từ ngày đi làm tôi thích hát hơn bao giờ hết, ngày nào tôi cũng hát đến khi hết ca làm” - chị Trần Thị Hoàn chia sẻ. Ảnh: Minh Nguyệt

“Tôi không ngại những lời bàn tán vì mong muốn được giúp đỡ người yếu thế của mình là thật lòng. Tôi cũng sẵn sàng trả cho nhân viên mức lương cao hơn người bình thường bởi họ đã cố gắng và nỗ lực gấp nhiều lần”, anh Hiểu nhấn mạnh.

Chính sự kiên định đó đã giúp anh Hiểu từng bước mở rộng chuỗi cửa hàng giặt là, nơi người yếu thế được nhìn nhận bằng năng lực thật sự. Đó là các cơ sở tại số 77 ngõ 250 Kim Giang, số 50B ngõ 250 Kim Giang, số 99 ngách 39 ngõ 250 Kim Giang (đều thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) và số 179 Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Nơi lan tỏa hạnh phúc

Chị Trần Thị Hoàn (sinh năm 1993), nhân viên của tiệm giặt là trải lòng về hoàn cảnh của mình: “Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán tôi bị thoái hóa xương và có vùng khớp đã bị hoại tử. Trước đây mỗi khi đi xin việc, tôi đều phải nén cơn đau, không để lộ ra ngoài cho ai biết để họ có thể nhận tôi vào làm. Ấy thế nhưng có lẽ vì ngoại hình mà sau nhiều năm tôi vẫn chẳng thể có một công việc”.

Bỏ qua nghịch cảnh, chị Hoàn càng khao khát được tự lập và không trở thành gánh nặng cho gia đình và đó là lúc chị tìm đến “Giặt là sẻ chia”. Tại đây mỗi tháng chị và đồng nghiệp trung bình sẽ nhận được từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng. Đồng thời trong quá trình làm việc, tiệm giặt cũng cung cấp nơi ở miễn phí nhằm động viên và khích lệ chị trong hành trình làm chủ cuộc đời.

gl3.jpg
Các ca làm việc linh hoạt (ca sáng từ 7h đến 15h, ca chiều từ 15h đến 23h), anh Nam cho biết. Ảnh: Minh Nguyệt

Hàng năm “Giặt là sẻ chia” còn vinh danh các nhân sự xuất sắc như một lời động viên về những nỗ lực của họ. Anh Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1994) - nhân sự xuất sắc năm 2024, chia sẻ: “Sau khi được “Giặt là sẻ chia” vinh danh, tôi cảm thấy hào hứng hơn trong công việc vì tôi biết những khó khăn, vất vả trước đó của mình được ghi nhận”.

Khi tiết trời miền Bắc bước vào giao mùa, khối lượng công việc tăng lên đáng kể, anh Nam bày tỏ bản thân và nhân viên tại tiệm khó đáp ứng được tốc độ trả đồ cho khách như bình thường. Tuy công việc còn nhiều thử thách, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi tinh thần “sẻ chia” đã trở thành cầu nối, giúp khách hàng thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với đội ngũ nhân viên.

Anh Thế Dân (22 tuổi, nhân viên văn phòng) khách hàng thân thiết tại cơ sở Triều Khúc bày tỏ: “Mỗi ngày đi làm, tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh các bạn nhân viên đến cửa hàng đều đặn và đúng giờ. Bỏ qua những khiếm khuyết, các bạn luôn giữ trạng thái tích cực và nghiêm túc với công việc. Hình ảnh đó khiến tinh thần tôi trở nên phấn chấn hơn”.

gl4.jpg
Từ khi biết đến “Giặt là sẻ chia”, anh Dân (bên phải) thường xuyên chủ động giới thiệu tiệm giặt đến đồng nghiệp, bạn bè. Ảnh: Minh Nguyệt

Chia sẻ về chất lượng dịch vụ, chị Nguyễn Thị Trà Giang (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cho biết: “Lần đầu đến tiệm “Giặt là sẻ chia” tại Kim Giang, tôi đã ấn tượng trước sự chỉn chu và chuyên nghiệp của các bạn nhân viên. Đặc biệt, quần áo ký gửi khi nhận lại luôn sạch sẽ, thơm tho và được gấp gọn gàng”.

Anh Đỗ Văn Hiểu khẳng định luôn tin vào sức mạnh nội tại của mỗi cá nhân người khuyết tật trong hành trình vượt lên nghịch cảnh. Trong tương lai, anh hy vọng mô hình "Giặt là sẻ chia" sẽ mở rộng khắp các quận ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, qua đó mang đến thêm cơ hội cho người yếu thế trong hành trình tự tin hòa nhập cộng đồng.