Giáo dục

Chất lượng giáo dục quyết định sức hút của trường tư thục

Vũ Thủy 15/05/2025 - 18:01

Chiều 15-5, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với hai trường tư thục chất lượng cao gồm: Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, trên địa bàn quận Cầu Giấy.

b3.jpg
Đoàn giám sát làm việc với Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu. Ảnh: Vũ Thủy

Qua khảo sát, đoàn giám sát ghi nhận, đây là hai trường đạt chất lượng cao tại Thủ đô trong tổng số 6 trường tư thục chất lượng cao toàn thành phố. Các trường đáp ứng đủ 5 tiêu chí theo yêu cầu của ngành. Chất lượng hoạt động giáo dục được nâng cao qua từng năm học, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt từ 94 đến 98%.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, cho biết, trường được công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao từ tháng 7-2014, đồng thời là trường được công nhận là Trường Quốc tế Cambridge. Năm 2021, trường tiếp tục được công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.

b.jpg
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thủy

Tuy nhiên, bà Thúy cũng cho rằng, việc triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao còn một số khó khăn. Cụ thể, chương trình tích hợp giữa chương trình quốc tế Cambridge và chương trình phổ thông Việt Nam đòi hỏi học sinh có năng lực tiếng Anh đầu vào cao, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài đáp ứng điều kiện giảng dạy chương trình quốc tế, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay cũng là thách thức lớn đối với nhà trường.

Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Đàm Tiến Nam, cho biết, trường được công nhận chuẩn quốc gia và được công nhận lại năm 2021. Trong quá trình xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao, nhà trường đặt mục tiêu giáo dục vì sự phát triển toàn diện của học sinh, gắn việc “dạy chữ” với “dạy người”, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo điều kiện để học sinh cảm thấy hạnh phúc khi học tập và sinh hoạt tại trường. Năm qua, nhà trường đã đầu tư nâng cấp và xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục.

Chương trình giáo dục được xây dựng bổ sung theo hướng tăng hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh có khả năng thích ứng, có kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phương pháp dạy học cũng được đổi mới theo hướng giảm tải, tăng tính thực tiễn và sáng tạo.

Ông Nam khẳng định, việc được công nhận là trường chất lượng cao có ý nghĩa lớn, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Để phát huy hiệu quả mô hình này, ông Nam đề xuất nhà trường được chủ động hơn trong việc xây dựng khung thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục, nhằm tận dụng tối đa hiệu quả cơ sở vật chất, duy trì và phát triển đội ngũ giáo viên, tạo thêm cơ hội học tập và trải nghiệm cho học sinh.

b2.jpg
Đoàn khảo sát cơ sở vật chất Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Vũ Thủy

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, cho biết, Đoàn giám sát thực hiện giám sát lĩnh vực này theo Luật Thủ đô năm 2012, từ đó ghi nhận thực tế hoạt động, những đề xuất, kiến nghị từ cơ sở, qua đó có căn cứ để đề xuất chính sách khi triển khai Luật Thủ đô năm 2024.

Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những kết quả triển khai mô hình chất lượng cao tại hai nhà trường, khẳng định thương hiệu và vị thế, đồng thời đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Các trường là mô hình tiêu biểu, tiên phong trong thực hiện mô hình trường chất lượng cao; đồng thời, góp phần mở rộng tiêu chí, xác lập các nội dung để hình thành tiêu chuẩn trường chất lượng cao cho thành phố trong thời gian tới.