Kinh tế

Nền tảng cho kinh tế tư nhân cất cánh

Hồng Sơn (thực hiện) 15/05/2025 - 08:57

Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4-5-2025) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và những giải pháp được nêu trong bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể nói là sự thay đổi rất ấn tượng, có tính bước ngoặt trong quan điểm, tư duy của Đảng cũng như xác lập vai trò, tầm quan trọng của khu vực kinh tế này.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm về vấn đề này.

nguyen-bich-lam-155.jpg
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thuý Hiền

- Ông có cảm xúc và đánh giá thế nào về Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN)?

- Đọc Nghị quyết tôi thấy rất vui cùng tâm lý an tâm, tin tưởng. Vậy là việc cần đến, vì quốc kế dân sinh, vì tương lai tốt đẹp của xã hội, thịnh vượng của nền kinh tế đã có cơ sở để hiện thực hóa một cách tất yếu, phù hợp với quy luật.

Có thể đánh giá, Đảng đã đưa ra một chủ trương đúng đắn, quyết đoán để trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ hiện thực hóa thành các cơ chế chính sách, giải pháp thực sự tạo dựng và thúc đẩy KTTN là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tôi rất tâm đắc với nội dung nêu trong Nghị quyết là “Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước; nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân cho phát triển kinh tế-xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Cùng với đó là, “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật".

Phải khẳng định rằng, qua Nghị quyết này, tất cả những bất cập bấy lâu nay của KTTN đều được giải quyết. Ví dụ như bất cập về mặt đối xử với KTTN so với kinh tế nhà nước hay đầu tư nước ngoài… Đây là bước chuyển mạnh mẽ, sự khẳng định rất kiên quyết.

Đặc biệt, Nghị quyết tạo niềm tin cho KTTN. Đó là tôn trọng “quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh”. Điều này sẽ tạo niềm tin rất lớn cho khu vực tư nhân, tạo tiền đề để kinh tế phát triển.

- Trong Nghị quyết có đề cập đến bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng... của KTTN. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi, phải bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự quyết tài sản để nếu có chuyện xảy ra thì doanh nghiệp tư nhân vẫn được bảo đảm tài sản của mình. Việc này là rất quan trọng, tạo niềm tin, tạo ra khí thế cho doanh nghiệp cống hiến và từ đó sẽ thúc đẩy KTTN, dành hết tâm trí, sức lực cũng như của cải để làm ăn kinh doanh; từ đó đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế.

Nghị quyết đã đưa ra chủ trương rất cụ thể, chi tiết. Trên cơ sở đó Chính phủ, Quốc hội tạo dựng những thể chế, cơ chế và những chính sách, những giải pháp thúc đẩy và tạo dựng KTTN thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế quốc gia.

- Tuy nhiên thực thi lại là vấn đề khác, thưa ông ?

- Trong Nghị quyết cũng có đề cập đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ. Nghị quyết yêu cầu: “Tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

Đồng thời có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan. Như vậy, sự công bằng, công tâm đã được đề cập, nhìn nhận đúng bản chất và rất tích cực.

Đây là điều cực kỳ quan trọng vì chúng ta đều biết, hiện nay có hiện tượng cán bộ công chức không dám làm do sợ sai và có những vấn đề quy định chưa rõ ràng. Do đó, quan điểm, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra đã bảo đảm để đội ngũ cán bộ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

- Vậy quan điểm hoặc gợi ý của ông nhằm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống là gì?

- Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều chặng đường gian khó bằng giải pháp, chiến lược đầy trí tuệ, sự tỉnh táo và đầy bản lĩnh. Về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang hợp sức, vượt khó, vượt qua chính mình nhằm xứng đáng với vị thế, vai trò “quan trọng nhất” và càng rất cần sự hỗ trợ, tạo môi trường trong lành, công bằng, thuận lợi nhất để tồn tại, phát triển.

Đương nhiên, thời điểm hiện tại chúng ta đã đưa ra lựa chọn đúng cũng như bao lần đã quyết định rất táo bạo nhằm tạo ra sự đột phá về kinh tế. Vì vậy, Chính phủ và Quốc hội cần phải đưa ra những chế tài rất nghiêm khắc để buộc đội ngũ công chức và những người có trách nhiệm phải thực thi nghiêm và hiệu quả.

Phải có cơ chế, phương cách theo dõi, đánh giá thường xuyên và chuẩn xác để đo đếm kết quả, hiệu quả làm việc của mỗi cơ quan chức năng, đến từng cán bộ. Ví như nếu đội ngũ công chức không thực thi nhiệm vụ hoặc chỉ đạt hiệu quả thấp sẽ bị kỷ luật rất nặng bên cạnh việc áp dụng cơ chế mới trong phát hiện, tuyển dụng người vào làm việc hoặc thay thế cán bộ, kể cả vị trí quan trọng, bằng tư duy cởi mở, thực tế, trên cơ sở năng lực, tầm nhìn và khát vọng cống hiến của từng cá nhân; hết sức cầu thị, tránh sự phân biệt hay tâm lý cào bằng.

- Trân trọng cảm ơn ông.