Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng!Bài 4: Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Di sản vô giá
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cách mạng. Người là tấm gương mẫu mực, có sức lan tỏa sâu rộng, thấm vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
1. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh của những phẩm chất cao quý nhất: Lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc; tinh thần tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; sự giản dị, khiêm tốn, trung thực, liêm khiết; tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và phong cách làm việc dân chủ, khoa học, gần gũi quần chúng. Mỗi lời nói, mỗi hành động của Người đều là một bài học sâu sắc về đạo làm người, đạo làm cách mạng, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt Nam.
Giá trị trường tồn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở những lời dạy, mà còn được thể hiện một cách sinh động qua cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Từ những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, đến khi lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập, thống nhất đất nước, rồi đến những ngày cuối đời vẫn đau đáu với sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Bác Hồ luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Sự hy sinh quên mình, tinh thần trách nhiệm cao cả, lối sống thanh bạch, giản dị của Người đã trở thành chuẩn mực đạo đức, là kim chỉ nam cho hành động của hàng triệu cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.
Tấm gương đạo đức, những phẩm chất đặc biệt của Bác còn được bạn bè quốc tế ghi nhận và nể phục. Cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende từng phát biểu trên Báo Dân tộc của Ấn Độ ít ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, trong đó có đoạn: "Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn...”. Sự giản dị và khiêm tốn của Bác được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng minh định như sau: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu".
Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
2. Thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của đất nước, Trung ương đã sớm quan tâm, triển khai việc học tập và làm theo Bác. Từ thực tiễn triển khai, tư duy và cách tổ chức ngày càng phát triển, hoàn thiện, nâng lên tầm cao mới. Ban đầu là phong trào, cuộc vận động, việc học tập và làm theo Bác đã dần trở thành ý thức tự giác, nhu cầu văn hóa thường trực của mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TƯ về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", coi đây là một giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu rộng trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hình thức học tập phong phú, đa dạng, gắn với thực tiễn công tác và đời sống. Những câu chuyện cảm động về những tấm gương tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác trên mọi lĩnh vực đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, khơi dậy những giá trị tốt đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta đã chứng kiến những hiệu ứng xã hội tích cực từ việc học tập và làm theo Bác. Tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội đã được giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Những hành động đẹp, những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều, thể hiện sự lan tỏa của tinh thần nhân ái, sẻ chia mà Bác Hồ đã dày công vun đắp.
Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, đã luôn đi đầu trong việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TƯ và các chỉ đạo của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, gắn việc học tập và làm theo Bác với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từ các phong trào thi đua yêu nước, đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức công vụ, Hà Nội đã tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
3. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương xây dựng Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh. Đây là một định hướng chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc củng cố bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu trong chương trình giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Học tập, làm theo Bác để xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên thật sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”; để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; ý chí sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do”; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước; dù có khó khăn đến đâu, nhất định chúng ta cũng phải xây dựng bằng được nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đồng chí Tô Lâm đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu cần phát huy kết quả đã đạt được, có kế hoạch, giải pháp cụ thể, gương mẫu, đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu văn hóa tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là một nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cùng với tư tưởng và phong cách, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản vô giá, là ánh sáng soi đường cho Đảng ta, dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
(Còn nữa)