Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được đặc biệt quan tâm, ủng hộ
Chiều 14-5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương...
Tại hội nghị, các ý kiến đã góp ý đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố, tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính, chính quyền địa phương.
.jpg)
Các ý kiến đóng góp cho thấy, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Trong bối cảnh Đảng ta đã có chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12-4-2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là, các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là, các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ.
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: "Khi bỏ cấp huyện, chúng ta cần có hình thức ghi nhận, tuyên dương những cống hiến của cấp huyện trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vừa qua". Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý đề nghị, 2 cấp hành chính ở địa phương nên là cấp tỉnh, (thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (cấp xã). Đồng thời, quy định khái niệm về UBND, HĐND một cách rộng hơn, chung hơn.
Về việc sửa đổi Khoản 3 Điều 110 “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định”, theo ông Phan Trung Lý, cần giữ quy định về việc “lấy ý kiến nhân dân đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính” và việc này do Quốc hội quy định.
Về điều khoản thi hành, ông Phan Trung Lý nhất trí với đề xuất Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 và cho rằng, cần sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Nghị quyết được thực thi đúng thời hạn.
Theo Bộ Tư pháp, các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, trình Ủy ban tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.