Nghị quyết số 68-NQ/TW: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh
Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam - chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn luôn là đối tượng yếu thế trước làn sóng hội nhập, bởi năng lực sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất khó đạt các quy chuẩn quốc tế…
Các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, đặc biệt là với những giải pháp được nêu trong bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí Thư Tô Lâm, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ thực chất, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phải mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn.

Chúng ta có thể nhìn thấy ngay tại thị trường Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, cơ quan thương mại của các nước hỗ trợ cho hàng hoá, dịch vụ của họ rất mạnh, rất hiệu quả, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam tương đối đơn độc. Đa phần các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, do vậy để họ tự tìm kiếm thị trường là rất khó khăn.
Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế, mà còn là khu vực kinh tế rất năng động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp này đang bị sức ép rất lớn trong cạnh tranh, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay trên sân nhà, nhất là cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có tiềm lực lớn.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn tới phải cải cách mạnh mẽ theo hướng thực chất, hiệu quả hơn và gắn với thị trường hơn. Các cơ chế chính sách cần thông thoáng, ổn định, an toàn, minh bạch, bình đẳng và chi phí thấp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tư nhân rất cần những giải pháp toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực, trong đó giải pháp về cải cách thể chế vẫn là quan trọng nhất. Phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Bà Hoàng Thị Thuỳ Linh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm DBFOOD:
Kỳ vọng có cơ chế thực sự đột phá, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp tư nhân

Nếu như chỉ đi một mình, có lẽ đến thời điểm hiện tại, DBFOOD đã đóng cửa rồi. Từ việc nghiên cứu cho đến đưa sản phẩm ra thị trường, mở rộng sản xuất, tất cả đều rất khó khăn. Nhưng nhờ có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, chúng tôi bước đầu đã có được sự thành công.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đóng thuế lớn cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân làm ra hàng triệu sản phẩm, dịch vụ phục vụ người dân; xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng dân sinh; đem lại hàng triệu cơ hội việc làm... Vì vậy, tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ có những cơ chế thực sự đột phá, không chỉ khuyến khích, mà còn bảo vệ và hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể, tôi mong muốn một thể chế minh bạch, bình đẳng, trong đó đảm bảo doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận đất đai, tín dụng… một cách công bằng, không bị phân biệt so với doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI.
Tôi cũng mong muốn giảm bớt thủ tục hành chính, kiểm tra chồng chéo. Sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức chỉ để xử lý các thủ tục, giấy tờ. Nếu cải cách tốt, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để tập trung vào sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tôi chờ đợi chính sách thuế linh hoạt, ưu đãi khởi nghiệp. Phải có chính sách thuế linh động để giúp doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ có điều kiện phát triển trong giai đoạn đầu.
Cùng với đó, cần có những chương trình phối hợp giữa doanh nghiệp - nhà nước - trường học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải bài toán thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Tháo gỡ rào cản để kinh tế tư nhân phát triển

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định rõ vai trò, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940 ngàn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động. Thế nhưng, khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó có việc các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Thêm vào đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao...
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nghị quyết đã nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi về vai trò của kinh tế tư nhân, trong đó, coi kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng xác định rõ việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế… nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển...
Có thể tin tưởng rằng, với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến đến năm 2030, sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước… qua đó góp phần đưa đất nước ta trở thành quốc gia có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.