Sắc lệnh giảm giá thuốc kê đơn của chính quyền Mỹ:Bước đi táo bạo
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm đáng kể giá thuốc kê đơn. Đây được xem là bước đi táo bạo trong việc giải quyết vấn đề chi phí y tế cao tại xứ Cờ Hoa.
Tuy nhiên, việc triển khai sắc lệnh này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cả về pháp lý và lợi ích.

Sắc lệnh mới nhằm giải quyết vấn đề giá thuốc kê đơn cao, vốn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ suốt nhiều năm qua. Đây là những loại thuốc mà người bệnh chỉ được sử dụng khi có toa thuốc của bác sĩ, thường là: Thuốc điều trị bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, ung thư…); thuốc đặc trị, có tác dụng mạnh hoặc tác dụng phụ lớn; thuốc giá cao, nằm trong danh sách chi trả của các chương trình như Medicare...
Tổng thống Donald Trump cho rằng, người dân xứ Cờ Hoa không phải trả giá cao hơn cho cùng một loại thuốc so với người dân ở các quốc gia khác, đồng thời chỉ trích các công ty dược phẩm đã bán thuốc với giá thấp ở nước ngoài, trong khi tính giá cao tại Mỹ, coi đây là “lợi dụng sự hào phóng của người Mỹ”.
Trong bối cảnh đó, sắc lệnh mới yêu cầu các doanh nghiệp dược phẩm điều chỉnh giá thuốc tại Mỹ phù hợp với mức giá thấp nhất mà các quốc gia phát triển khác đang trả cho cùng loại thuốc. Theo các nhà quan sát, điều này có thể dẫn đến việc giảm giá từ 30% đến 90% với một số loại thuốc. Các công ty dược phẩm có thời hạn 30 ngày để đề xuất giá mới, nếu không sẽ đối mặt với hình phạt thuế hoặc hạn chế xuất, nhập khẩu. Sắc lệnh cũng trao quyền để Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Robert F. Kennedy Jr. đàm phán giá thuốc và áp dụng các biện pháp mạnh nếu các công ty không tuân thủ.
Theo giới quan sát, sắc lệnh có mục tiêu tích cực là hướng về quyền lợi của người dân; có thể tạo ra sức ép đàm phán khiến các hãng dược chủ động giảm giá một số loại thuốc thiết yếu. Lạc quan hơn, sắc lệnh có thể mở đường để chính quyền Mỹ kiểm soát giá thuốc trong tương lai, nhưng cần sự phối hợp với Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, sắc lệnh có thể gặp phải thách thức pháp lý, đặc biệt là liên quan đến việc nhập khẩu thuốc và quyền của các cơ quan liên bang trong việc điều chỉnh giá thuốc.
Trong kịch bản “bi quan”, Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể bác bỏ hoặc hạn chế thực thi sắc lệnh này của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt nếu sắc lệnh ảnh hưởng tới các chương trình y tế như Medicare, Medicaid. Các công ty dược cũng có thể khởi kiện liên bang, dẫn đến hàng loạt diễn biến phức tạp khó lường khác.
Mặt khác, sắc lệnh giao Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) xây dựng cơ chế giá trong vòng 30 ngày, nhưng lại chưa nêu rõ cách xác định giá, lựa chọn quốc gia tham chiếu, hay xử lý các trường hợp không có giá so sánh. Theo các chuyên gia, việc xây dựng một hệ thống so sánh giá thuốc quốc tế minh bạch và cập nhật thường xuyên là rất khó, đặc biệt là khi các nước có chính sách trợ giá nội địa hoặc bảo mật giá bán lẻ.
Các ý kiến phân tích cũng lưu ý sự phản đối từ các nhóm lợi ích. Thực tế, ngay sau khi sắc lệnh được công bố, các công ty dược phẩm và các nhóm vận động hành lang đã chỉ trích sắc lệnh này, cho rằng nó có thể cản trở đổi mới và đầu tư vào nghiên cứu. Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ (PhRMA) phản đối mạnh mẽ sắc lệnh, cho rằng việc áp dụng giá thuốc theo mô hình quốc tế là một đề xuất “sai lầm nghiêm trọng”. Theo Chủ tịch PhRMA Stephen J. Ubl, việc nhập khẩu giá thuốc từ các quốc gia có “mô hình y tế xã hội chủ nghĩa” sẽ là một thỏa thuận tồi tệ cho bệnh nhân Mỹ.
Các công ty dược phẩm còn bày tỏ lo ngại việc giảm giá mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thuốc mới, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ sinh học nhỏ và vừa, dẫn đến việc giảm khả năng tiếp cận các loại thuốc mới và tiên tiến. Thực tế, ngay sau khi sắc lệnh được công bố, cổ phiếu của một số công ty dược phẩm lớn đã biến động. Trong khi một số công ty như Merck và Gilead ghi nhận sự tăng giá, các công ty như Cigna và CVS lại chứng kiến sự sụt giảm do lo ngại về tác động của sắc lệnh đến mô hình kinh doanh của họ.
Nhìn chung, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm giá thuốc kê đơn là một bước đi táo bạo nhằm giải quyết vấn đề chi phí y tế cao tại Mỹ. Tuy nhiên, việc thực hiện sắc lệnh chắc chắn còn đối mặt với nhiều thách thức trong thực tế.