Chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng!Bài 3: "Ngọn đuốc" tư tưởng soi đường

Hương Ly 14/05/2025 06:53

80 năm qua, kể từ ngày thành lập nước, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là tài sản tinh thần quý giá, “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Sau gần 40 năm đổi mới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được những kết quả quan trọng, toàn diện, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Những giá trị vượt thời gian

Tư tưởng Hồ Chí Minh với những luận giải sâu sắc về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… luôn là “ngọn đuốc” soi đường, đưa cách mạng Việt Nam đạt được những thắng lợi quan trọng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đến Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên, tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào văn kiện, xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Bản Cương lĩnh cũng đã tổng kết thành bài học: “Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công là trong quá trình đổi mới Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) khẳng định, từ bài học đổi mới đã được thực hiện qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Bản Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội XI (tháng 1-2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta thêm một lần khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng... để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Nhận định về vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho biết, trong các Cương lĩnh của Đảng, ngọn cờ chiến đấu của Đảng ta đã luôn được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn những giá trị vượt thời gian trong tư tưởng của Người, càng thấm thía hơn những lời căn dặn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Nhấn mạnh tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại; phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước. Vấn đề đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là yêu cầu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết; không ngừng đổi mới vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh... Đó cũng chính là những giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng lại bày tỏ sự tâm đắc với những quan điểm, tư tưởng của Bác về công tác cán bộ, được hình thành từ khi thành lập Đảng. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" - tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Bác đã đề cập tư cách của cán bộ. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, Bác nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém". Người lãnh đạo phải là người dẫn đường, có đường lối đúng, hành động đúng; đề cao tính tiên phong, gương mẫu, nêu gương trước quần chúng; là tấm gương cho quần chúng noi theo.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng của Người

Nhìn lại quá trình gần 40 năm đổi mới của đất nước ta, có thể nhận thấy, thời điểm trước năm 1986, kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu do bị chiến tranh tàn phá. Sau chiến tranh, đất nước lại chịu sự bao vây, cấm vận kinh tế nên đời sống của nhân dân hết sức khó khăn.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới. Trong quá trình này, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong gần 40 năm qua, kinh tế nước ta đã từng bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã không ngừng mở rộng. Báo cáo của Trung tâm Dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh cho thấy, quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, đứng thứ 34 trên thế giới và dự báo sẽ vượt Singapore vào năm 2029.

Cùng với những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta cũng được quan tâm, phát triển. Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc cũng đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 cũng được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng…

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia. Đặc biệt, tính đến ngày 10-3-2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 11 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand và Indonesia.

Đây là những thành tựu đáng tự hào, là động lực và niềm tin để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới.

Trong bối cảnh đất nước ta đang chuẩn bị bước sang “kỷ nguyên vươn mình”, thời kỳ phát triển dựa trên tri thức, sáng tạo, giá trị nhân văn và sức mạnh nội sinh, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là “ngọn đuốc” soi đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Việc triển khai các chiến lược lớn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng thể chế và bộ máy nhà nước, hiện đại hóa công tác cán bộ, phát huy vai trò của nhân dân… đều thể hiện rõ sự sống động, trường tồn của những giá trị tư tưởng mà Người để lại.

Trong những bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo, sâu sát với thực tiễn, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, không ngừng học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi lĩnh vực quản trị quốc gia. Và, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là “ngọn đuốc” soi đường cho đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

(Còn nữa)