Du lịch

Ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch:Tăng sức hút du khách

Hoàng Lân 14/05/2025 - 06:52

Trong thời đại công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, ngành Du lịch đang nỗ lực tận dụng thế mạnh của công nghệ để tăng hiệu quả cho hoạt động quảng bá. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên phổ biến và được xem là hướng đi tất yếu để ngành Du lịch thu hút đối tượng khách hàng của thời đại số.

cho-dl.jpg
Giới thiệu robot phục vụ trong lĩnh vực du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội - VITM 2025.

Đưa công nghệ vào quảng bá du lịch

Theo nghiên cứu từ các nền tảng du lịch trực tuyến như Booking.com, AppotaPay, có đến 69% người được hỏi đã sử dụng các nền tảng như Instagram, TikTok, Facebook hay YouTube để tìm kiếm ý tưởng cho chuyến đi tiếp theo. Xu hướng du lịch, tìm kiếm điểm đến và nơi lưu trú của du khách đang có sự thay đổi rõ rệt, tạo ra xu thế tất yếu trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quảng bá du lịch tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia du lịch cho biết, khi công nghệ số ngày càng phổ biến, hoạt động truyền thông, quảng bá cần được thay đổi, ứng dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông, quảng bá. Điển hình như thành phố Hà Nội đã ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo tàng, di tích, di sản văn hóa với 100% di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được số hóa và tích hợp trên nền tảng số. Nhiều điểm đến như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã ứng dụng công nghệ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá với các hệ thống thuyết minh tự động, bán vé điện tử...

Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng trạm hỗ trợ thông tin với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D hiển thị hình ảnh, video cùng thông tin hữu ích, phục vụ du khách. Tại tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai số hóa, phát triển du lịch thông minh - Smart Travel được đẩy mạnh tại 8 khu, điểm du lịch gồm: Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Am Tiên, Pù Luông, bản Mạ, thác Mây, đền Sòng, đền Cửa Đạt; đồng thời quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok...

Trong hoạt động lữ hành, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã nhanh chóng đổi mới cách thức quảng bá, để tăng cơ hội tiếp cận tệp khách hàng ưa chuộng sử dụng công nghệ. Chẳng hạn như, Công ty Lữ hành VietSense Travel xây dựng kênh truyền hình Du lịch TV-247, phát sóng hằng ngày trên nền tảng YouTube với nhiều bản tin, chuyên mục riêng nhằm giới thiệu điểm đến, chia sẻ kinh nghiệm với du khách. Công ty cổ phần Công nghệ du lịch BestPrice (BestPrice Travel) tận dụng công nghệ AI trong chatbot du lịch với vai trò như một hướng dẫn viên ảo, tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm và đặt dịch vụ.

Triển khai chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả

Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cho rằng, nhiều điểm đến tại Việt Nam vẫn hiện diện mờ nhạt trên nền tảng trực tuyến. Việc chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ, đặc biệt trong việc liên kết với hệ thống dữ liệu chung, gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và quảng bá. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, robot… nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thích ứng nên ứng dụng công nghệ kém hiệu quả.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch, thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như: Ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, hệ thống thẻ - vé điện tử, các kênh truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok...

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Các địa phương cần triển khai chuyển đổi số đồng bộ với định hướng của Bộ, nhằm tránh tình trạng manh mún, lãng phí nguồn lực.

Để ứng dụng công nghệ vào quảng bá du lịch đạt hiệu quả cao hơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các địa phương và doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật xu hướng công nghệ, nghiên cứu áp dụng phù hợp với từng hoạt động quảng bá. “Công nghệ AI đang phổ biến trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vì vậy, để sử dụng AI và các công nghệ mới hiệu quả, các địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự”, ông Vũ Thế Bình nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:

o-binh.jpg

Mở rộng ứng dụng công nghệ trong du lịch

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là việc làm tất yếu để ngành Du lịch phát triển bền vững, hiệu quả, bắt kịp với xu hướng thế giới. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị du lịch đã ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm và truyền thông. Tuy nhiên, so với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, không phải đơn vị nào cũng có đủ nguồn lực để đầu tư và sử dụng công nghệ hiệu quả.

Những năm gần đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều không gian trưng bày, giới thiệu công nghệ số trong một số sự kiện. Điển hình, tại Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2025 vừa qua, Hiệp hội đã trưng bày và giới thiệu 14 hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong hoạt động du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng các hoạt động giới thiệu ứng dụng công nghệ trong du lịch và tổ chức thêm các hội thảo chuyên đề về vấn đề này.

Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh:

o-quynh.jpg

Cần lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp

Công nghệ số hiện nay không chỉ còn là website, mạng xã hội hay các trang thông tin tìm kiếm đơn thuần, mà trí tuệ nhân tạo (AI), robot… đang hiện diện rất rõ trong cuộc sống. Riêng trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, đã có ứng dụng robot trong phục vụ khách sạn, nhà hàng và tại các lễ hội ẩm thực.

Du lịch là hoạt động trải nghiệm thực tế, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá là cần thiết nhưng không phải ứng dụng nào cũng phù hợp. Khi ứng dụng công nghệ trong quảng bá, các đơn vị cần xác định rõ mục đích và đối tượng khách hàng hướng đến, từ đó xây dựng nội dung phù hợp với nhu cầu, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng. Việc đầu tư cho công nghệ đòi hỏi nguồn lực lớn, vì thế để đạt hiệu quả truyền thông, tránh lãng phí, các địa phương, đơn vị cần lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp và có chương trình đào tạo nhân sự thích hợp..

Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài:

o-tai.jpg

Thay đổi tư duy trong chiến lược quảng bá

Nếu trước kia, khách hàng thường tìm hiểu thông tin và sản phẩm du lịch qua Google, thì nay Facebook, TikTok, YouTube… đang là những kênh quảng bá tiếp cận khách hàng nhanh nhất.

Các đơn vị cần phải đổi mới cách làm, không chỉ đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực truyền thông, mà còn cần thay đổi tư duy trong chiến lược truyền thông, quảng bá. Chúng tôi vừa xây dựng kênh Du lịch TV-247 trên YouTube với sự tham gia của các chuyên gia du lịch, giám đốc các đơn vị lữ hành uy tín, giảng viên du lịch các trường đại học để thảo luận về các vấn đề được quan tâm. Ngoài ra, chương trình còn có Bản tin Du lịch lúc 12h hằng ngày với nội dung tư vấn điểm đến nổi tiếng, khuyến cáo du khách cách đặt dịch vụ du lịch an toàn…

Lệ Quyên ghi