Bất an ẩm thực đường phố mùa nắng nóngBài 2: Vì sao thức ăn đường phố mất vệ sinh vẫn tồn tại?
Không khó để nhận thấy, phần lớn các hàng quán vỉa hè hiện chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bằng chứng là thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước có nguyên nhân bắt nguồn từ các món ăn đường phố. Dù vậy, loại hình kinh doanh này vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vì sao lại như vậy?

Quy định có cũng như không
Theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, gồm: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm...
Quy định là vậy, song trên thực tế, không khó để bắt gặp các xe đẩy, gánh hàng bán đồ ăn nhanh, quán ăn vỉa hè tại nhiều tuyến phố hiện chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên. Hầu hết người bán hàng phớt lờ quy định về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh) hiện có 41 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ngoài ra, khu vực chợ Mun (xã Kim Chung) và hai bên đường sát cạnh Khu công nghiệp Thăng Long luôn có một “đội quân” bán đồ ăn nhanh, đồ uống trên xe đẩy túc trực mỗi ngày.
Trong vai một thực khách, khi phóng viên thắc mắc về nguồn gốc thực phẩm và việc bán hàng trên xe đẩy có đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm hay không, liền nhận được câu trả lời thản nhiên từ người bán: “Bán hàng trên xe đẩy không thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh. Thế nhưng, khách quen của tôi vẫn ăn mỗi ngày, có ai bị sao đâu!”.
Cũng với câu hỏi đó, chủ xe đẩy bán bánh tráng trộn Thiên Sơn cho rằng: “Quan trọng là chế biến ngon thì khách sẽ tìm đến thôi. Chị thấy đấy, vào giờ cao điểm, tôi làm không ngơi tay…”.
Tình trạng phớt lờ quy định cũng diễn ra tương tự tại những xe bán thịt xiên lưu động (hay còn được gọi là “xiên bẩn”) quanh khu vực cổng các trường học hay trên những tuyến phố, chợ dân sinh như: Đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), đường Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)… Khi được hỏi về nguồn gốc của món ăn vặt vỉa hè này, hầu hết chủ các quầy hàng đều lắc đầu không rõ các xiên chiên nhiều vị, nhiều hình dáng, màu sắc bắt mắt có xuất xứ từ đâu. Họ chỉ biết rằng, các que xiên này đều được tẩm ướp gia vị sẵn trước khi nhập về bán.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn người mắc tại quán hàng thời gian qua đều xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, che đậy không tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm khiến thực phẩm dễ bị nhiễm độc, không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, do bảo quản thực phẩm không đúng cách nên làm lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm dẫn đến ngộ độc.
Đơn cử như mới đây, sau khi ăn bánh mì khi đang đi tham quan, 33 học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Túc, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) đã có các triệu chứng đau bụng, nôn ói, phải vào Bệnh viện quận 11 cấp cứu. Trước đó, dư luận cũng hoang mang trước các vụ ngộ độc lớn, như: Vụ ngộ độc khiến 313 người nhập viện sau khi ăn bánh mì tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 tại Hội An (tỉnh Quảng Nam); hơn 500 người đã bị ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng (tỉnh Đồng Nai)…
Theo Cục An toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm hoặc bệnh phẩm (bánh mì, thịt lợn xá xíu, cơm gà, gà nướng...) của các vụ ngộ độc đều có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella spp, E.coli, Bacillus cereus... Đây là những vi khuẩn dễ phát sinh, phát triển vào mùa hè khi quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Khoảng trống trong kiểm soát
Dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Thế nhưng, với đặc điểm luôn biến động về địa điểm kinh doanh và chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính nên việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với loại hình dịch vụ này gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Phạm Thị Thanh Nhàn cho rằng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thường xuyên thay đổi. Các cơ sở thuộc cấp phường quản lý chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, người tham gia kinh doanh không ổn định, do đó, họ chưa nắm rõ kiến thức về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra còn mỏng, cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc bố trí nhân lực và sắp xếp thời gian kiểm tra cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, việc lấy mẫu phục vụ đánh giá, kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cũng bị hạn chế, do giá thành xét nghiệm cao…
Cũng đối mặt với những khó khăn tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) Trần Thị Dịu, nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm của các quán hàng bán đồ ăn uống lưu động, lực lượng chức năng, công an xã thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Thế nhưng, lực lượng chức năng của xã mỏng nên làm không xuể, vẫn còn tái diễn cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi xuất hiện lực lượng chức năng thì quán hàng vắng bóng nhưng khi không có lực lượng làm nhiệm vụ thì “đâu lại vào đó”.
“Với trách nhiệm của mình, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở người dân không được bán hàng trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi không được phép xử lý vi phạm nên hiệu quả của việc nhắc nhở không cao. Thậm chí, khi phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đi giám sát, tuyên truyền về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đã xảy ra tình trạng lực lượng chức năng đi đằng trước, họ chạy đằng sau…”, Trưởng ban Quản lý chợ Mun Lê Văn Khánh tỏ ra bất lực.
Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của quán ăn vỉa hè trong đời sống đô thị cũng như làm phong phú bản sắc ẩm thực Việt. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt, tự phát và thiếu kiểm soát như hiện nay đang khiến loại hình kinh doanh này trở thành “vùng xám” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
(Còn nữa)