Nghiêm cấm hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, chiều 12-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc quy định nghiêm cấm hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể.

Cụ thể, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo thay quy định cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân” bằng cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật; bổ sung trường hợp chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm, nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.
Thảo luận tại tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, dữ liệu cá nhân là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ việc đổi mới sáng tạo, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Trong hệ thống pháp luật, hiện có 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập, đòi hỏi điều chỉnh sửa đổi.
“Đơn cử như chưa có chế tài hình sự điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân cũng như chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, đại biểu Trần Quốc Tỏ nêu.

Thực tế thời gian qua, có hiện tượng nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập “thừa” dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Trong khi đó, các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu của các tổ chức, cá nhân và của các đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ những phân tích trên, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho rằng việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân tại dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết sự thiếu thống nhất trong các quy định hiện hành.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, tương thích với thông lệ quốc tế và đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, không tạo ra rào cản về thủ tục hành chính.
“Để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật quy định cơ quan chuyên trách, lực lượng chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, phù hợp”, đại biểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quan điểm của Nghị quyết 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào nội dung dự thảo Luật. Theo đại biểu, dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên tài sản, vừa là tài nguyên phát triển khoa học công nghệ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng đặt ra yêu cầu phải có cơ chế bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.

“Việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết nhằm hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu nêu ý kiến.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ giới hạn dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam và cả người nước ngoài tại Việt Nam cũng như phạm vi xử lý dữ liệu cá nhân trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này giúp xác định đối tượng áp dụng một cách phù hợp, tránh nhầm lẫn hoặc thiếu sót.