Nữ nghệ sĩ điêu khắc Lưu Thanh Lan:Tôn vinh cái đẹp bằng hình khối
Điêu khắc là một trong những loại hình nghệ thuật khắc nghiệt nên khá kén các nữ nghệ sĩ. Tuy nhiên, nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan đã khẳng định vị trí của mình bằng tài năng, sự kiên trì và đam mê.
Chị không chỉ là nghệ sĩ kể chuyện bằng hình khối mà còn là biểu tượng của nghị lực và tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật.

Duyên nợ với nghệ thuật điêu khắc
Nữ nghệ sĩ điêu khắc Lưu Thanh Lan sinh ngày 9-3-1971 tại thôn Quất Thượng (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ), nơi miền trung du đậm xanh rừng cọ, đồi chè, đồng lúa, bãi ngô. Là con út trong gia đình có 9 anh chị em, ngay từ thuở ấu thơ, Lưu Thanh Lan đã lớn lên trong một không gian luôn gắn bó với vẻ đẹp của tranh và tượng, một cách tự nhiên qua công việc của người cha. Cha chị là người đã dành cả đời để làm đẹp cho các công trình kiến trúc cổ, những ngôi nhà truyền thống ở các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ.

Những ấn tượng về hình khối, đường nét, màu sắc khi đi theo bố làm việc đã nuôi dưỡng ước mơ để sau này Lưu Thanh Lan quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Được học với các thầy Vương Học Báo, Trần Tía, Đào Châu Hải, Lưu Danh Thanh, Nguyễn Xuân Thành cùng cô giáo Nguyễn Thị Hồng, những điêu khắc gia tên tuổi của Việt Nam, Lưu Thanh Lan như hạt mầm được gieo trên mảnh đất màu mỡ. Bông hoa nghệ thuật trong chị đã bừng nở và nhanh chóng vươn lên mạnh mẽ.
Không ngại khó, ngại khổ, chịu khó tìm tòi, học hỏi, với năng lượng tràn đầy cùng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô gái nhỏ bé đã lăn lộn với sắt, thép, gỗ, đá và những tảng đất nặng trịch... Chị quần quật nhào đất, bẻ sắt làm cốt không khác gì một người đàn ông, thậm chí còn bền bỉ và dẻo dai hơn.
Kết thúc cuộc đời sinh viên cũng là lúc Lưu Thanh Lan nhận được tấm Huy chương Bạc danh giá tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995 dành cho tác phẩm “Cây đời”. Đây cũng chính là bài thi tốt nghiệp cuối khóa học của chị, kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu học tập không biết mệt mỏi trong suốt 5 năm học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Cảm xúc dẫn đường cho tác phẩm
Trong nghệ thuật, tìm cho mình một phong cách riêng là vô cùng khó, tuy nhiên, sự sáng tạo là một mạch chảy tự thân mà chỉ những nghệ sĩ đích thực mới nắm bắt được và Lưu Thanh Lan là một trong số đó.

“Trong khối tri thức rộng lớn của nhân loại, tự tìm cho mình một lối đi riêng chẳng hề dễ dàng. Tôi nhìn ra thế giới, tìm trong sách vở, để học hỏi và tiếp thu từ các tác phẩm và tác giả bậc thầy thế giới như Michelangelo, Henry Moore, Constantin Brancusi, Auguste Rodin... Nhìn vào nghệ thuật trong nước, tôi học hỏi nghệ thuật điêu khắc đình làng, nghệ thuật điêu khắc Chăm-pa, xem các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo, Điềm Phùng Thị, Phan Gia Hương... Từ đó, tôi tìm thấy con đường cho mình, bắt đầu từ cảm xúc và để cảm xúc dẫn lối cho từng tác phẩm” - nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan chia sẻ.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với dáng vẻ “thắt đáy lưng ong” luôn hấp dẫn và chiếm trọn tâm trí của Lưu Thanh Lan. Chị khao khát thể hiện vẻ đẹp ấy không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn trong tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử và những khoảnh khắc gia đình hạnh phúc. Theo chị, trong quá trình sáng tác, việc tìm ra một ngôn ngữ hình khối phù hợp là một bài toán khó. Ngôn ngữ khối không chỉ quyết định hình thức biểu đạt mà còn phải tương thích với nội dung tác phẩm, đồng thời đòi hỏi sự lựa chọn chất liệu một cách kỹ lưỡng. Gỗ, đá, gốm, đồng... mỗi loại chất liệu đều mang đến cho chị những trải nghiệm thú vị.
Mang trong mình cảm hứng mãnh liệt về tình yêu, tình mẫu tử, gia đình, tuổi thơ và hạnh phúc, Lưu Thanh Lan như được thỏa sức tung hoành trong ngôn ngữ điêu khắc để sáng tạo nên một bản tình ca ca ngợi cái Đẹp của tạo hóa. Những tác phẩm như “Giao mùa”, “Gió mùa”, “Câu chuyện tình yêu”, “Mùa xuân của mẹ”, “Mái ấm”, “Tình mẹ”, “Niềm hạnh phúc”, “Bước nhỏ vào đời”, “Gội đầu bên suối”, “Tuổi thơ”, “Con là mùa xuân”, “Làng chài”... thực sự chạm đến cảm xúc của người xem.

Như nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi thích chất liệu đồng bởi độ bền, sự óng ả mềm mại rất phù hợp với các sáng tác về đề tài thiếu nữ”, khi bén duyên, chất liệu đồng chảy trong tác phẩm của chị như cá gặp nước, rộn ràng trong từng mảng khối, uyển chuyển trong từng chi tiết. Các tác phẩm “Trăng non”, “Thiếu nữ với con mèo”, “Khúc nhạc xuân”, “Thiếu nữ với con chim”, “Thủy triều”, “Suối tóc”, “Đón gió”, “Dáng xuân”,... lần lượt ra đời. Với cách tạo khối khỏe khoắn, phần đế chắc chắn, vững vàng, phần thân trên nhẹ nhàng, mềm mại, các khối ngang, thẳng đan xen, gương mặt nhân vật hướng lên thể hiện niềm hy vọng...
Các tác phẩm sáng tác về phái nữ của chị đa phần là khối khỏa thân nhưng không trần trụi mà trái lại được chắt lọc, đẽo gọt hợp lý để tạo nên một vẻ đẹp rất tinh tế. Đề tài người mẹ mang tư tưởng sức mạnh bảo vệ gia đình, tình yêu vô bờ dành cho con là chủ đề xuyên suốt trong đa số các tác phẩm của chị. Các tác phẩm: “Mái ấm”, “Mẫu tử”, “Tình mẹ”, “Mẹ con”, “Mùa xuân của mẹ”, “Lời ru trên lưng”, “Lời ru”, “Ngọt ngào sữa mẹ”, “Giấc mơ trưa”, “Đón xuân”... xuất phát từ nguồn cảm hứng dạt dào của nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan dành cho chủ đề này.

Mãi đam mê với cuộc chơi nghệ thuật
Điêu khắc là loại hình nghệ thuật vất vả và khắc nghiệt. Khó khăn với các nam nghệ sĩ một thì với nữ nghệ sĩ khó khăn sẽ tăng lên gấp mười. Song với Lưu Thanh Lan, khó khăn càng thôi thúc thì chị càng quyết tâm dấn thân. “Khó khăn nhiều mặt nên nhiều khi bản thân tôi cũng không ít lần có suy nghĩ chán nản. Nhiều ý tưởng rất hay đã nảy sinh, nhưng khi thể hiện, chúng không đạt được như mong muốn, tôi đành phải phá bỏ. Khi đó, tôi thấy hoang mang, thậm chí phải tạm dừng để tìm hướng đi mới. Tôi luôn phải vượt qua những thử thách như thế để tạo ra những tác phẩm luôn mới mẻ, không giống nhau. Sự biến đổi khi tìm tòi, sáng tác luôn cuốn hút và chiếm hết thời gian và suy nghĩ của tôi. Và tôi đã vượt qua những khó khăn và sự nản lòng bằng cách đó” - nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan tâm sự.

Tố chất và bản năng phụ nữ trong các tác phẩm điêu khắc của chị khi đằm thắm, ngọt ngào khi lại tràn trề rực lửa. Cái căng tròn đầy trong các khối hình được nữ điêu khắc gia cường điệu hóa để làm bật lên tính nữ rạng ngời của người phụ nữ đối lập với những hình khối khúc khuỷu, trừu tượng, gai góc. Ở các tác phẩm điêu khắc của Lưu Thanh Lan, người xem có thể thấy vẻ đẹp của tư duy, phong cách tạo hình hiện đại, ẩn chứa bên trong là chất nữ tính, nhẹ nhàng vốn có của người phụ nữ, có thể thấy qua: “Nhớ biển”, “Miền cổ tích”, “Chuyện 3 người”, “Nhành hoa xuân”, “Người trong thành phố”, “Ru con”, “Ngày hạnh phúc”, “Trăng tình”, “Trút bỏ”, “Ngày bình yên”, “Thủy triều”... Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện hay là một góc nhìn của chị về những thân phận con người chị đã gặp, về niềm vui, nỗi buồn, về tình yêu được gửi gắm bằng hình khối, bằng ngôn ngữ nghệ thuật với các chất liệu: Đồng, gỗ, đá, gốm, sành...

Năm 2022, Lưu Thanh Lan tổ chức ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên "Mơ xuân" tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, trưng bày hơn 100 tác phẩm tiêu biểu. Năm 2024, chị ra mắt cuốn sách “Điêu khắc Lưu Thanh Lan” tổng hợp 200 tác phẩm nghệ thuật, cũng chính là lời tự sự về hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của chị. Ngày 10-5-2025, Lưu Thanh Lan tiếp tục ra mắt người yêu nghệ thuật với cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 2 mang tên “Không gian phồn thực” tại không gian nghệ thuật Peony & Iris 197+199 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội. Triển lãm sẽ trưng bày gần 100 tác phẩm và bộ tác phẩm với đa phần là các tác phẩm sáng tác mới nhất của chị từ năm 2023 đến nay.

Hơn 30 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, trong một lĩnh vực khắc nghiệt và ít nữ nghệ sĩ theo đuổi, Lưu Thanh Lan đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình nhờ tài năng, sự kiên trì và đam mê. Chị đã tìm ra con đường riêng, vượt qua những ràng buộc, gò bó và định kiến để tự do sáng tạo, chơi đùa trong hình khối của nghệ thuật điêu khắc. Lưu Thanh Lan không chỉ là một nghệ sĩ kể chuyện qua hình khối mà còn là biểu tượng của nghị lực và tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật. Chị đã và vẫn tiếp tục vui chơi trong cuộc chơi nghệ thuật ấy, và cuộc chơi đó vẫn chưa bao giờ kết thúc.