Kinh tế

Không gian mới cho kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên cải cách

Đoàn Nam thực hiện

Nghị quyết số 68-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành đầu tháng 5-2025 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế, khi chính thức xác lập kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân.

Đây không chỉ là sự tiếp nối tinh thần đổi mới, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về một kỷ nguyên cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và quản trị quốc gia. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, Nghị quyết 68-NQ/TW hứa hẹn mở ra không gian mới cho khu vực tư nhân phát triển bền vững, thực chất.

Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xung quanh những điểm mới, tác động kỳ vọng và những điều kiện để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

san-xuat-may-tu-dong-tai-cong-ty-co-phan-cong-nghe-thiet-bi-tan-phat-huyen-thanh-tri-ha-noi-.jpg
Sản xuất máy tự động tại Công ty cổ phần công nghệ thiết bị Tân Phát (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

6 đột phá thể chế tạo ra bước ngoặt cho kinh tế tư nhân

- Thưa Tiến sĩ, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) vừa được Bộ Chính trị ban hành đã khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế tư nhân. Ông nhìn nhận thế nào về sự thay đổi tư duy chiến lược này so với các nghị quyết trước đó?

- Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” thể hiện sự đột phá về tư duy và “dũng cảm” trong công nhận vai trò của khu vực kinh tế này.

Doanh nghiệp tư nhân từ chỗ không được phép tồn tại đã được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (năm1986) – dấu mốc khởi đầu công cuộc Đổi mới. Từ đó đến nay, vai trò, vị trí của khu vực này luôn được khẳng định trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Tuy vậy, cho đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, khu vực này được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân; còn kinh tế nhà nước trong thời gian dài được xác định là giữ vai trò chủ đạo trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cần lưu ý là tính đến hết năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân và kinh doanh cá thể, đã đóng góp khoảng 51% GDP, thì cơ sở cho việc khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế này đã vững chắc hơn.

Sự thay đổi tư duy này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế nói chung và đối với kinh tế tư nhân nói riêng; đặc biệt, dỡ bỏ các rào cản phát triển và tạo đà, tăng khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới, khi môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế thay đổi rất nhanh.

- Những đột phá về thể chế và chính sách nào trong Nghị quyết 68 mà theo ông sẽ tạo ra bước ngoặt thực sự cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn tới?

- Trước hết đó là, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá, thương mại điện tử...

Có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là những cách thức mới hỗ trợ hữu hiệu doanh nghiệp, phù hợp thúc đẩy phát triển khu vực này trong kỷ nguyên kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tính năng động và năng lực quản trị.

Hai là, đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Điểm đột phá ở đây là thay vì cho vay doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các hình thức thế chấp tài sản, Nghị quyết khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. Sự mở rộng mạnh mẽ các điều kiện cho vay giúp dỡ bỏ các rào cản trong tiếp cận vốn – thực trạng tồn tại trong nhiều thập niên qua.

Ba là, mở rộng các hình thức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương thông qua hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng;…

Điểm đột phá ở đây là Nhà nước chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; trong khi có cơ chế bổ sung nguồn lực, chính sách bảo hiểm hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống. Đây cũng là cách thức giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn đối với các nguồn vốn.

Bốn là, thông qua thúc đẩy kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan, nâng cao hiệu quả đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.

Việc thiếu vắng hệ thống mức độ tín nhiệm doanh nghiệp là điểm nghẽn “kinh niên” cản trở cho vay, đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là tập trung huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu. Đây cũng là giải pháp mới giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn tới vốn giá rẻ hơn.

Năm là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Đây cũng là quy định có nhiều tiến bộ, giúp tăng quyền cho doanh nghiệp trong xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư phù hợp, có lợi hơn cho hoạt động cho khu vực này; thể hiện bước tiến trong xây dựng chính quyền do doanh nghiệp, vì doanh nghiệp.

Bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng thấy phấn khích hơn vì quan điểm, tiếng nói, khát vọng của mình được tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu.

Sáu là, có sự điều chỉnh trong chính sách hỗ trợ trong nhóm doanh nghiệp theo quy mô. Nghị quyết đưa chủ trương hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trong tách biệt doanh nghiệp vừa và lớn.

Đây là bước tiến phù hợp cho việc hỗ trợ doanh nghiệp theo quy mô, khi trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh và nhu cầu hỗ trợ của 2 nhóm doanh nghiệp này là khác nhau. Trước đây, không có chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với doanh nghiệp lớn, trong khi sự hỗ trợ nhiều khi còn mang tính đồng nhất cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Cách tiếp cận khác nhau này được kỳ vọng là giúp đẩy nhanh phát triển khu vực doanh nghiệp vừa – vốn phát triển “đìu hiu” trong nhiều năm qua.

Kết nối Nghị quyết 68 và các chính sách cải cách hành chính

- Theo ông, Nghị quyết 68 sẽ tác động tích cực như thế nào đến việc xóa bỏ các rào cản hành chính, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ?

- Trong bối cảnh đại cải cách bộ máy hành chính hiện nay, sự thu gọn bộ máy hành chính, trong đó có bộ máy công chức; đồng thời, sự tinh giản, hợp lý hóa các quy định hành chính trong thủ tục kinh doanh, đầu tư có thể giúp giảm chi phí (thời gian và tiền bạc) trong đăng ký và thực hành kinh doanh, đầu tư; giảm nhũng nhiễu, tham nhũng và chi phí tuân thủ.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu cải cách, khi bộ máy hành chính, nhất là công chức chưa ổn định về vị trí việc làm, môi trường làm việc mới, và nơi sinh sống thay đổi, có thể dẫn đến tinh thần, động lực, thái độ làm việc chưa ổn định.

- Một trong những điểm mới của Nghị quyết là yêu cầu tạo môi trường kinh doanh minh bạch và chuẩn mực quốc tế. Theo ông, Việt Nam cần làm những hành động cụ thể nào, đặc biệt ở cấp địa phương?

- Thực ra, những yêu cầu nói trên đã dần được thực hiện ở Việt Nam theo các cam kết WTO và các hiệp định FTA tiếp sau, nhất là các FTA thế hệ mới. Những kết quả hành động cụ thể có thể nhận biết theo một số chỉ số liên quan trong 4 chỉ số được công bố hằng năm, cụ thể: (1) Chỉ số cải cách hành chính (tên tiếng Anh PAR INDEX; (2) Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) (là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp); (3) Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); và (4) Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đây là những chỉ số có ý nghĩa trong so sánh, đánh giá kết quả, nỗ lực trong cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, cũng như chất lượng môi trường kinh doanh và hành chính công của các địa phương.

Việc công khai, minh bạch các chỉ số này giúp chính quyền địa phương nỗ lực hơn, tự cải cách, nhất là tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong cải thiện thứ hạng cải cách thể chế hành chính – kinh doanh – đầu tư để cải thiện uy tín, hình ảnh với người dân (3 chỉ số đầu), góp phần thu hút đầu tư, kinh doanh vào địa bàn (chỉ số thứ 4).

Như vậy, để đạt các yêu cầu về công khai minh bạch theo chuẩn quốc tế và phục vụ thực tiễn cải cách, phát triển, các biện pháp cải cách hành chính cần tiếp tục tăng cường theo các hướng như: Một là, công bố công khai, đầy đủ, kịp thời về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; kết quả xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; và kết quả cải cách tổ chức bộ máy; đặc biệt, cần tăng cường công khai đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, tăng cường công khai, minh bạch hóa về tiếp cận thông tin; danh sách hộ nghèo; thu/chi ngân sách cấp xã /phường; quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù,….

Ba là, đẩy mạnh công khai, thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân về hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; tiếp cận dịch vụ tư pháp.

Bốn là, đánh giá chất lượng phục vụ của công chức về thái độ giao tiếp, tinh thần, thái độ chú ý lắng nghe ý kiến của người dân/đại diện tổ chức; mức độ đầy đủ trong trả lời, giải đáp các ý kiến của người dân/đại diện tổ chức; trong hướng dẫn kê khai hồ sơ và tính tuân thủ quy định trong giải quyết công việc.

Cuối cùng, không kém phần quan trọng đó là thúc đẩy công khai, minh bạch các kết quả về hoàn thiện môi trường kinh doanh, đầu tư như: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai; tính minh bạch và công khai về môi trường kinh doanh, thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; tính năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;…

- Ông có kiến nghị gì nhằm kết nối giữa thực thi Nghị quyết 68 và các chính sách cải cách hành chính hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân?

- Để thúc đẩy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, việc thực thi Nghị quyết 68 cần có sự kết nối với các chính sách cải cách hành chính hiện nay.

Trước hết, cần tận dụng nguồn lực dôi dư từ tinh gọn bộ máy. Các trụ sở và cơ sở vật chất dôi dư cần điều chuyển sang cho thuê lại với giá ưu đãi thực sự thậm chí cho thuê không thu phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ làm văn phòng, trụ sở giao dịch, nhất là có thể cho phép biến chuyển công năng thành các văn phòng làm việc chung, trung tâm ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo, phòng thử nghiệm..

Hai là, tận dụng đội ngũ công chức dôi dư, nhất là những công chức có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, có vốn nhàn rỗi, có quan hệ công việc/kinh doanh, còn sức khỏe và tâm huyết, chuyển công việc sang khu vực doanh nghiệp tư nhân để tăng hiệu quả chung của quá trình cải cách, phát triển doanh nghiệp tư nhân và hiệu quả chung của toàn xã hội, đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!