Văn hóa

Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả loại hình báo chí

Đỗ Chí 12/05/2025 - 12:31

Sáng 12-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật này.

12.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận để trốn thuế

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, về tiêu chí doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 15% hoặc 17%, dự thảo Luật chỉ sử dụng tiêu chí về doanh thu để bảo đảm sự đơn giản, thuận lợi và phù hợp với công tác quản lý thuế cũng như thông lệ chung của các nước.

Về quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách.

12-5.jpg
Đại biểu dự phiên họp sáng 12-5-2025. Ảnh: Quochoi.vn

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực báo chí, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.

Kiến nghị thi hành luật từ ngày 1-10-2025

Thảo luận ở hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình nội dung sửa đổi cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đề cập đến lĩnh vực báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả loại hình báo chí.

“Nguồn lực tài chính trong ưu đãi thuế sẽ được các cơ quan báo chí tái đầu tư cho hạ tầng công nghệ, quản trị nội dung, số hóa nội dung, đào tạo nhân sự, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền báo chí nước ta. Quy định ưu đãi thuế cũng cho thấy sự tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí”, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ.

Tuy vậy, theo đại biểu Thạch Phước Bình, để tối ưu hóa quy định nói trên, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát toàn diện để việc ưu đãi chỉ được áp dụng cho cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động theo Luật Báo chí, tránh bị lợi dụng bởi các tổ chức truyền thông trá hình; xác định rõ nội dung quảng cáo trên báo điện tử có được hưởng ưu đãi này không? Việc ưu đãi thuế cũng cần đi kèm với các tiêu chí kiểm soát về nội dung thông tin chính thống, chất lượng sản phẩm báo chí...

Góp ý thêm vào dự thảo Luật, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), trong Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã có nhiều nội dung quy định đến doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo Luật cần quan tâm cập nhật các quy định tại nghị quyết này, nhất là việc trích quỹ phát triển khoa học công nghệ; chi phí về nghiên cứu phát triển; chính sách về doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm... để tính toán thuế cho phù hợp. Trong bối cảnh đất nước ta đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đại biểu đề nghị cần sớm đưa Luật này đi vào cuộc sống, từ ngày 1-10-2025, thay vì ngày 1-1-2026.

Quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhưng khả năng nghiên cứu và phát triển còn nhiều hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của các loại hình doanh nghiệp này.

z6592742271656_5b80308a422847479dbb3371a44af3f5.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) nêu, về thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ quy định tại dự thảo Luật có thời gian 3 năm miễn thuế. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số, khoa học công nghệ đều là những lĩnh vực mới, đề nghị cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể xem xét lên 5 năm đối với các lĩnh vực này.

“Về trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, tôi cho rằng cần có nội dung giao cho Chính phủ quy định các ngành nghề được ưu tiên sử dụng quỹ, gắn với chiến lược phát khoa học công nghệ quốc gia”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị.

Về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật ghi chung là “các khoản chi khác”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị làm rõ các “khoản chi khác” cụ thể là gì, để tạo minh bạch, công bằng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan trình dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Trong đó, về thời hiệu thi hành luật, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nỗ lực để từ ngày 1-10-2025 có thể thực hiện được luật.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật là sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân Tối cao.