“Đến với con người Việt Nam tôi”
“Này bạn thân nơi năm châu bốn phương/ Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào/ Ngày nào còn chìm trong khói bom/ mà giờ đây cất cao lời ca vang”. Năm 2000, bài hát “Đến với con người Việt Nam tôi” của nhạc sĩ Xuân Nghĩa vang lên trên sóng truyền hình, gây ấn tượng mạnh với công chúng.

Theo Xuân Nghĩa, anh viết ca khúc này ròng rã suốt 8 năm trời. Năm 1992, anh nảy ra tứ thơ “Hãy đến với những con người Việt Nam tôi/ Đến với quê hương, đất nước thanh bình...”. Và cứ thế, điệp khúc ra đời trước, hai năm sau, anh mới viết câu mở đầu: “Này bạn thân nơi năm châu bốn phương...”. Viết gần xong bài anh chững lại, bởi câu “Đến với tiếng pháo Giao thừa ngày 30” viết trước đó, thì đến năm 1994 có lệnh cấm đốt pháo, anh lại tìm từ khác thay thế. Bài hát cứ dở dang, mãi đến năm 2000 mới viết xong.
Giai điệu trẻ trung, lời ca giản dị, bài hát khơi gợi niềm tự hào về tinh thần kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, cũng như lòng nhân ái, thân thiện với bè bạn quốc tế của dân tộc Việt Nam ta: “Một ngày cha ông vang danh núi sông/ Một ngày đất nước đứng lên thanh bình”, “Mảnh đạn năm xưa gieo trên đất nâu/ Giờ đây đã hóa những thân lúa vàng/ Gởi vào trong từng trang sách thơ/ nhìn tương lai trái tim mỉm cười”.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh năm 1975 tại Hà Nội, năm 2 tuổi vào thành phố Hồ Chí Minh và lớn lên tại đây. Trưởng thành từ phong trào âm nhạc của học sinh, sinh viên, Nguyễn Xuân Nghĩa từng cùng bạn bè lập ban nhạc “The Student” chơi trong các trường học, sáng tác các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước. Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, từng là Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn (Nhà văn hóa Thanh niên), Ủy viên Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Xuân Nghĩa còn được biết đến với các ca khúc “Nơi ấy là Trường Sa”, “Cùng dưới nắng phương Đông”, “Mãi là người thanh niên Việt Nam”...
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam cũng là mốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của Xuân Nghĩa, anh đã sáng tác ca khúc “Vẽ lại bức tranh Sài Gòn” nói lên sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa - xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ngày càng đi lên của người dân thành phố Hồ Chí Minh.