Đầu tư

Bố trí vốn sát thực tiễn trong kế hoạch đầu tư công

Việt Tuấn 12/05/2025 - 06:43

Hà Nội đang thực hiện nhiều dự án có nhu cầu điều chỉnh vốn sau khi đã được giao kế hoạch.

Vì vậy mới đây, tại kỳ họp thứ hai mươi hai, HĐND thành phố khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 cấp thành phố.

Để việc bố trí vốn sát thực tiễn, các đại biểu HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố nâng cao chất lượng công tác rà soát, lập và đề xuất điều chỉnh kế hoạch.

dau-tu-cong.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ hai mươi hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Viết Thành

Không giải ngân hết kế hoạch vốn như dự kiến

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 20-4, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 mới đạt 11,8%, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, một số dự án có khó khăn, vướng mắc, không giải ngân hết kế hoạch vốn như đã dự kiến (18 dự án vướng mặt bằng, 11 dự án chậm thủ tục).

Vì thế, UBND thành phố đề xuất trình HĐND điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án dự kiến không giải ngân hết kế hoạch năm 2025; đồng thời điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho các dự án mới, dự án chuyển tiếp đã có đủ thủ tục bố trí vốn, có nhu cầu vốn để triển khai thực hiện, có khả năng giải ngân tốt, như: Dự án cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát, tuyến đường sắt đô thị số 5, mở rộng đường Lĩnh Nam, xây dựng đường Tam Trinh…

Lý do điều chỉnh vốn, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, là nhằm kịp thời đáp ứng nguồn lực triển khai các dự án trọng tâm, trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên; phục vụ nhiệm vụ chính trị năm 2025 và những năm tiếp theo của Hà Nội. Phương án điều chỉnh không làm thay đổi tổng vốn kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch 2025 đã được HĐND thành phố quyết nghị.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, dù UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, song tiến độ triển khai của nhiều dự án, công trình chưa đạt yêu cầu. Theo rà soát, đến hết ngày 20-4, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc Nhà nước khu vực I mới đạt 8,7% kế hoạch năm 2025, nên UBND thành phố đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn nhiều dự án.

Ngoài ra, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố cũng cho rằng, UBND thành phố cần giải thích về việc nhiều dự án được điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, xác định cần hoàn thành trong năm 2025 nhưng số vốn bố trí mới chỉ đạt khoảng 60-75% tổng mức đầu tư dự án được duyệt.

Hạn chế điều chỉnh kế hoạch nhiều lần

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, thành phố được giao kế hoạch vốn năm 2025 là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024, gấp 2,09 lần kế hoạch năm 2021 Trung ương giao. Với khối lượng công việc lớn, ngay từ đầu năm 2025, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt triển khai kế hoạch; ban hành kế hoạch chi tiết tiến độ giải ngân từng tháng; nắm bắt khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo tháo gỡ đối với tất cả các dự án được giao kế hoạch trung hạn và năm 2025. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư công; phân luồng “làn xanh”, yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với một số dự án quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số dự án vẫn còn khó khăn, vướng mắc, dự kiến không đạt được tiến độ như đã đề ra. Vì thế, UBND thành phố đề xuất giảm kế hoạch vốn của các dự án dự kiến không giải ngân hết được kế hoạch vốn được giao năm 2025, trên cơ sở đã đánh giá khả năng thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và việc triển khai các biện pháp khắc phục; các dự án giảm nhu cầu vốn do giảm dự toán gói thầu; hoặc một số dự án cuối năm 2024 bị chậm thủ tục nên đến nay dự kiến sẽ không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Đơn cử như Dự án Bảo tàng Hà Nội đề xuất giảm 35 tỷ đồng do giảm dự toán gói thầu số 44 (nội dung trưng bày trong nhà) khi lựa chọn nhà thầu. Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức) đề xuất giảm 120 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đề xuất giảm 199 tỷ đồng, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Báo cáo giải trình với đại biểu HĐND thành phố về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, một số dự án có khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự kiến không hoàn thành được trong năm 2025, như: Dự án Xây dựng đường 40m và 48m nối từ Khu đô thị mới Việt Hưng ra đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên); Dự án 3 tuyến đường B=17,5m từ Ngô Gia Tự đến Khu đô thị Thượng Thanh (quận Long Biên). Dự án xây dựng các tuyến giao thông khu vực tiếp cận Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 (huyện Quốc Oai) đề nghị giảm kế hoạch vốn năm 2025 do đến nay chưa hoàn thành lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán nên không đạt được tiến độ như dự kiến.

Để bảo đảm các dự án triển khai theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông khẳng định, thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, UBND thành phố chú trọng nâng cao chất lượng công tác rà soát, lập và đề xuất điều chỉnh kế hoạch, hạn chế điều chỉnh kế hoạch nhiều lần. Đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố sẽ có giải pháp tăng cường giám sát tiến độ thực hiện.