Tài chính

Tỷ giá VND/USD giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao

Hà Linh

Tỷ giá tiếp tục biến động không ngừng trong tuần qua. Ngay cả khi có xu hướng chững hay giảm nhẹ, đi ngược chiều với xu hướng thế giới, tỷ giá USD/VND vẫn “neo” ở mức khá cao.

Có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Tuần qua, tỷ giá USD/VND giảm nhẹ trên cả thị trường chính thức và tự do, trong khi tỷ giá EUR cũng hạ nhiệt sau đợt tăng mạnh do chịu áp lực lớn bởi chênh lệch lãi suất VND - USD.

Trong khi đó, chỉ số DXY đo lường đồng USD với một số loại tiền tệ khác trên thế giới lại phục hồi nhẹ.

anh-theo-bai-ty-gia.jpg
Tỷ giá USD/VND vẫn "neo" ở mức cao. Ảnh minh họa

Ngày cuối tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.951 VND/USD, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.754 VND/USD (mua vào) và 26.148 VND/USD (bán ra).

Còn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 25.760 VND/USD (mua vào) - 26.150 VND/USD (bán ra). Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch quanh mức 26.375 VND/USD (mua vào) - 26.475 VND/USD (bán ra).

Như vậy, tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ 5 đồng; trong đó, chỉ riêng phiên cuối tuần điều chỉnh tăng 24 đồng, còn lại các phiên đều giảm.

Tỷ giá USD các ngân hàng thương mại cũng trải qua một tuần hạ nhiệt, giảm khoảng 30 đồng chiều bán ra. Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua cũng biến động cùng chiều, giảm 35 đồng.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của USD so với các loại tiền tệ chủ chốt trong rổ tiền tệ tăng nhẹ, vượt mốc 100 điểm, sau khi chạm đáy trong tháng 4. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp trong vòng 3 năm qua và giảm khoảng 10% so với đầu năm.

Theo giới chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 4,25 - 4,5%, cũng như thỏa thuận thương mại đạt được giữa Mỹ và Anh làm dấy lên kỳ vọng giảm căng thẳng thương mại toàn cầu, góp phần kéo đồng USD trên thị trường thế giới hồi phục.

Đối với EUR, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại hạ nhiệt, giảm khoảng 200 VND/EUR sau khi tăng mạnh trong tháng 4, với mức gần 2.000 VND/EUR, tương ứng tăng 7%, lên khoảng 30.500 VND/EUR.

Trên thị trường quốc tế, từ đầu năm đến nay, đồng EUR tăng lên mức cao nhất trong ba năm so với đồng USD, trong bối cảnh thị trường biến động do chính sách thuế quan, nhà đầu tư bán tháo tài sản của Mỹ và tìm kiếm sự an toàn ở các loại tiền tệ trú ẩn.

Cùng với đồng EUR, các loại tiền tệ khác cũng tăng giá so với đồng bạc xanh, đặc biệt là các loại tiền tệ trú ẩn truyền thống như đồng franc Thụy Sĩ và đồng yên Nhật.

Lý giải về nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước không “hạ nhiệt” ngay cả khi giá USD trên thị trường thế giới ở mức thấp, giảm mạnh 9,7% so với đỉnh trong năm 2025, giới chuyên gia cho rằng do nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng mạnh.

Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp nhất trong vòng 13 tháng vào cuối tháng 4 đã khiến chênh lệch lãi suất VND - USD đảo chiều âm, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Những yếu tố này đã tạo áp lực đáng kể lên tỷ giá, khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng 1,4% so với cuối tháng 3, tăng 2,1% so với đầu năm.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng khoảng 2,8%, trong khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 2,5% so với đầu năm 2025.

Tỷ giá được dự báo dao động 25.500 – 26.000 VND/USD

Công ty cổ phần Chứng khoán MBS dự báo, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 - 26.000 VND/USD trong năm 2025. Các kế hoạch nới lỏng tài khóa, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với mặt bằng lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD.

Dù có "lực đẩy" khiến tỷ giá tăng, song ở chiều ngược lại, vẫn tồn tại nhiều "lực kéo" giúp hạ nhiệt và giữ tỷ giá ổn định. Điển hình là các yếu tố nội tại vẫn ghi nhận kết quả tích cực được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VND.

Trước áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước hút ròng thanh khoản trong tháng 4 với tổng trị giá ước đạt gần 22,2 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù có những động thái hút ròng từ phía nhà điều hành, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sau khi duy trì quanh mức 4 - 4,4% trong nửa đầu tháng 4 giảm mạnh về mức đáy 13 tháng, chạm 2,2% vào ngày 25-4, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa.

Diễn biến này ảnh hưởng đáng kể đến chênh lệch lãi suất VND – USD, tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó, nếu từ đầu năm đến nửa đầu tháng 4, lãi suất qua đêm bằng USD chỉ cao hơn VND từ 0,2 - 1,2%/năm, gần cuối tháng, mức chênh lệch này tăng mạnh lên 2,1%/năm, mức cao nhất kể từ đầu năm. Đến cuối tháng, lãi suất qua đêm ở mức 3,8%, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động quanh mức 3,9 - 4,1%.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh việc cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO), với khối lượng đạt 38.094,34 tỷ đồng trong tuần qua.

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm duy trì dưới 4%, song tăng mạnh so với cuối tháng 4 (2,46%) ở mức 3,96%; 1 tuần 4,03%; 2 tuần 4,23%; 1 tháng 4,84%; 3 tháng 4,82%.