Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam phải có lối đi riêng, chính sách đột phá, vượt trội
Tối 10-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương liên quan về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tham dự họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Theo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, các trung tâm tài chính này được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, với lộ trình áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để triển khai xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ: Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu; thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới.

Cùng với đó là thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới, như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), quản lý rủi ro tài chính; mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia những chuẩn mực tài chính quốc tế; bảo đảm an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính…
Gần đây nhất, ngày 6-5-2025, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thảo luận, phân tích rõ yêu cầu, cơ hội và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế; những vấn đề đặt ra trong xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết, phải quyết tâm thực hiện bằng được theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng báo cáo, tờ trình mới trình Bộ Chính trị, trong đó phải tiếp thu, giải trình, cập nhật nội dung mới mà Bộ Chính trị và cơ quan liên quan có ý kiến. Các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, bảo đảm phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.

Các báo cáo, tờ trình, dự thảo kết luận, nghị quyết phải phân tích được lợi thế của Việt Nam; đánh giá tác động tích cực, các thách thức, rủi ro, đồng thời, đề ra giải pháp khắc phục rủi ro; đề xuất chiến lược xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với lối đi riêng; các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên; đề xuất chính sách đột phá, vượt trội phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam… theo hướng thể chế, cơ chế, chính sách quản lý được, song phải thông thoáng; hạ tầng hiện đại, thông suốt; nguồn nhân lực thông minh.
Đề án phải xác định rõ chiến lược thu hút vốn từ nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp, cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, cả môi trường thực và môi trường ảo; xác định nguồn và lượng tài chính tại các Trung tâm tài chính. Đề án cần xác định khu vực phát triển hạ tầng trung tâm tài chính; dự kiến nhân sự, bộ máy quản lý, vận hành trung tâm tài chính; giải thích rõ việc lựa chọn xây dựng 1 trung tâm hoặc một trung tâm - hai địa điểm.
Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn lực, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững; phục vụ thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; phục vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do đó, phải có hệ thống các chính sách đột phá, vượt trội, thu hút thuyết phục được các nhà đầu tư tại Trung Đông, Trung Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ, châu Âu… tham gia Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát công việc, hoàn thành báo cáo, tờ trình, dự thảo Kết luận, Nghị quyết, chương trình hành động của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam bảo đảm tiến độ, chất lượng.