Thế giới

Nga - Mỹ đàm phán khôi phục nguồn cung khí đốt của Mátxcơva cho châu Âu

Kim Phượng 10/05/2025 09:28

Mátxcơva và Washington đã thảo luận về khả năng nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, một trong số các vấn đề liên quan đến việc giải quyết hòa bình trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov xác nhận với hãng thông tấn Interfax.

messenger_creation_1294e214-a819-4ac5-8de9-6ef2c48a3ba9.jpeg
EC đã đệ trình một kế hoạch ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga từ năm 2027. Ảnh: Global Look Press

Tuyên bố của Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov được đưa ra sau một báo cáo của Reuters về các cuộc đàm phán khí đốt của Nga với Mỹ. Sự tham gia của Washington cũng có thể giảm bớt sự phản đối chính trị ở châu Âu, đồng thời mang lại tầm nhìn chiến lược về dòng năng lượng trong tương lai của Nga, Interfax dẫn các nguồn tin quốc tế cho biết.

Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom đã báo cáo khoản lỗ 13,1 tỷ USD vào năm 2024. Đường ống dẫn khí đốt của Nga hiện chỉ chiếm 19% nguồn cung cấp của châu Âu, giảm từ mức 45%.

Bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, một số nước EU như Hungary, Slovakia, Bỉ và Pháp vẫn tiếp tục nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống hoặc các hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn.

Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Đặc phái viên của Tổng thống Nga, ông Kirill Dmitriev đã thảo luận về xuất khẩu khí đốt, hai nguồn tin của Reuters cho biết. Hai nhà đàm phán đã gặp nhau lần cuối tại St. Petersburg vào ngày 11-4.

Tuy nhiên, Brussels vẫn kiên quyết phản đối EU nối lại nhập khẩu khí đốt của Mátxcơva. Sau nhiều năm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vào ngày 6-5, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày một lộ trình chi tiết để cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc năng lượng của EU vào Nga vào năm 2027.

Kế hoạch này được mô tả là nỗ lực toàn diện nhất của liên minh cho đến nay nhằm chấm dứt nhập khẩu khí đốt, dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân của Nga, một sự phụ thuộc mà những người chỉ trích cho rằng đã làm tổn hại đến chủ quyền của EU và tài trợ cho Điện Kremlin trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo Kyiv Independent