Ấn tượng với ký họa và “Bài ca thống nhất”
Tuần qua, trong số rất nhiều hoạt động nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Bài ca thống nhất” (diễn ra từ ngày 25-4 đến 5-5), đã gây ấn tượng đặc biệt với nhiều người. Sự cuốn hút và tầm ảnh hưởng mà triển lãm này có được không chỉ bởi địa điểm tổ chức là Công viên Thống nhất (Hà Nội), nơi công chúng dễ dàng tiếp cận, mà còn bởi trong số tác phẩm được giới thiệu có khá nhiều tranh ký họa chiến trường do chính những người họa sĩ - chiến sĩ thực hiện tại hiện trường cách nay hơn nửa thế kỷ.
Triển lãm quy tụ khá nhiều nghệ sĩ, cả những người làm nghề trong thời chiến và họa sĩ sáng tạo trong thời bình, với nhiều thể loại tranh như sơn dầu, acrylic, sơn mài, ký họa... Nhưng dường như các tác phẩm được hình thành trong chiến tranh có sức hút lớn hơn, đặc biệt là tranh ký họa được sáng tác tại những “tọa độ lửa”. Như họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, người đã có một quãng thời gian sáng tác tại một trong những nơi khốc liệt nhất vào đầu những năm 1970 - chiến trường B5, khu vực Quảng Trị - Vĩnh Linh. Những ngày tháng đồng hành cùng giao liên, bộ đội thông tin và cán bộ, chiến sĩ ở tuyến lửa đã cung cấp cho người nghệ sĩ trẻ khi ấy suối nguồn cảm xúc để ông “tốc ký” những gì mình cảm nhận được và tự thấy có nghĩa vụ phải ghi lại một cách chân thực.

Những gì đã có với hội họa kháng chiến, qua “Bài ca thống nhất”, một lần nữa cho thấy sức mạnh của thể loại ký họa, dù là ký họa chì than, bút sắt, bút kim, màu nước, bút dạ. Ký họa kháng chiến sinh ra trong chiến tranh, phổ biến trong đời sống kháng chiến là bởi tính linh hoạt về họa cụ, hình thức thể hiện và khả năng lưu giữ thật nhanh, chính xác, giàu cảm xúc về cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cũng như hình tượng người chiến sĩ cách mạng... Đó là một kho tàng nghệ thuật đặc biệt, như chỉ riêng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã có bộ sưu tập gồm hơn 3.000 bức ký họa được sáng tác tại chiến trường, không chỉ cần bảo quản tốt mà còn cần được giới thiệu một cách rộng rãi tới người xem cả nước, nhất là thế hệ trẻ.
Liên quan tới mục tiêu quảng bá nói trên, một triển lãm “mở” như “Bài ca thống nhất” trong dịp cả nước cùng vui là cách tổ chức có thể được nhân rộng.