Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2025):Phát huy vai trò của người cao tuổi Thủ đô
Trong suốt 30 năm qua, tổ chức Hội và cán bộ, hội viên người cao tuổi thành phố Hà Nội luôn hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô, góp ích cho cộng đồng, xứng đáng là “cây cao bóng cả” cho con cháu học tập, noi theo.
Kế thừa truyền thống

Hội Người cao tuổi Việt Nam tiền thân là Hội Phụ lão cứu quốc. Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là động lực cho sự phát triển của xã hội. Kế thừa Hội phụ lão cứu quốc, ngày 10-5-1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập, trở thành mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Trải qua 30 năm, với 6 nhiệm kỳ đại hội, tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp từng bước phát triển, luôn làm nòng cốt trong chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi cùng cả nước đi lên trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với sự phát triển chung của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội được Trung ương Hội đánh giá là một trong những địa phương đã chủ động, sáng tạo, tích cực xây dựng tổ chức Hội và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, thành phố hiện có hơn 1,1 triệu người cao tuổi. Hội Người cao tuổi thành phố thu hút hơn 1 triệu hội viên, sinh hoạt tại 13.681 tổ hội, 4.898 chi hội, 526 Hội cơ sở, 30 Hội Người cao tuổi quận, huyện, thị xã. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, hội viên người cao tuổi Thủ đô luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ của Trung ương và thành phố giao.
Phát huy vai trò của người cao tuổi, trong nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi thành phố đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, chăm lo xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa và quan tâm chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn. Hằng năm, hơn 100.000 cụ được chúc thọ, mừng thọ, với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng; hàng nghìn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi tặng quà, với tổng giá trị gần 80 tỷ đồng/năm; phối hợp tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 500.000 người cao tuổi, giúp người cao tuổi phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, cũng như yên tâm hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã thành lập 516 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; 5.602 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với hơn 197.000 hội viên…
Với quyết tâm, nỗ lực không ngừng, năm 2020, cán bộ, hội viên người cao tuổi Thủ đô đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 năm liên tục (2022, 2023 và 2024) được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu Cụm thi đua...
Tuổi cao nêu gương sáng
Nổi bật trong các phong trào thi đua của người cao tuổi là phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”. Phong trào huy động được tiềm năng, trí tuệ của đông đảo người cao tuổi.
Một trong những gương điển hình của phong trào là ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Đội Cấn (quận Ba Đình). Ông Nguyễn Minh Trung chia sẻ: “Với cương vị là Chủ tịch Hội, tôi đã cùng Ban Chấp hành tham gia đóng góp và vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hỗ trợ tổ chức Hội hoạt động. Hằng năm gây “Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” từ 80 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, Hội còn tích cực giúp đỡ, động viên người cao tuổi đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn sống vui, sống khỏe, sống có ích. Nhờ đó mà Hội Người cao tuổi phường đã vận động được 160 hội viên/năm vào Hội, đưa tỷ lệ người cao tuổi tham gia Hội là 92,5%”.
Nêu gương sáng phát triển kinh tế, ông Lê Văn Ngà, hội viên Hội Người cao tuổi xã Tự Lập (huyện Mê Linh) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng hoa ly với tổng diện tích 13ha. Ông Ngà cho biết: “Hằng năm, tổng thu nhập của gia đình là 5,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15-20 lao động tại địa phương với mức lương 6-10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn hướng dẫn, giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp vật tư, cây giống, kỹ thuật trồng và nhận bao tiêu sản phẩm cho một số hộ gia đình trong thôn. Các gia đình đều phát triển rất tốt”.
Có thể khẳng định, thông qua phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố về mọi mặt. Hằng năm, tập thể Hội Người cao tuổi cơ sở và chi, tổ hội người cao tuổi đều đạt từ 16-20% “Tuổi cao - Gương sáng xuất sắc”; hội viên đạt 13-15% “Tuổi cao - Gương sáng xuất sắc”.
“Thời gian tới, các cấp Hội Người cao tuổi thành phố sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe đời sống vật chất tinh thần cho người cao tuổi, đặc biệt chú trọng hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật. Hội Người cao tuổi thành phố cũng xác định rõ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín của người cao tuổi, tạo động lực cho phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” để người cao tuổi tiếp tục cống hiến”, ông Nguyễn Thế Toàn nhấn mạnh.