"Đòn bẩy" để du lịch Ninh Bình cất cánh
Là miền đất di sản, những năm gần đây du lịch Ninh Bình có sức hút hấp dẫn với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Để tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển du lịch từ công nghiệp văn hoá, các cơ quan quản lý, chuyên gia du lịch đã hiến kế cho du lịch tỉnh Ninh Bình tại hội thảo “Đưa công nghiệp văn hoá thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” diễn ra vào ngày 9-5 tại Ninh Bình.
Sự kiện do tỉnh Ninh Bình phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức.

Lấy văn hoá làm hạt nhân của du lịch
Cách Hà Nội 100km, Ninh Bình là điểm đến kết nối Thủ đô được nhiều du khách lựa chọn. Ninh Bình sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương... Hiện tỉnh có 81 di tích quốc gia. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, với lợi thế tài nguyên đã có, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành “Công nghiệp không khói” một cách mạnh mẽ. “Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, để tỉnh thực hiện hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững và hài hòa”, ông Nguyễn Cao Sơn cho biết.

Đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá tại Ninh Bình, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhìn nhận, tại Ninh Bình có các làng nghề truyền thống như thêu ren Văn Lâm, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân; có di sản hát chèo, nghệ thuật ca trù; có những truyền thuyết dân gian gắn với vua Đinh - vua Lê có thể trở thành kịch bản sân khấu đặc sắc. Thậm chí, những thước phim điện ảnh Hollywood như Kong từng quay tại đây là cơ sở để hình thành các tour du lịch theo dấu phim trường.

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong nhiều thập kỷ qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Năm 2021, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021–2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó xác định rõ: phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch dựa trên tài nguyên văn hoá và thiên nhiên. Đến nay, du lịch Ninh Bình đã vào top 10 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, trở thành điểm du lịch nổi bật trên bản đồ quốc gia và quốc tế.
Trở thành điểm đến du lịch văn hoá
Ninh Bình được ví là viên ngọc của du lịch Việt Nam, nhưng du lịch Ninh Bình vẫn chưa phát triển tương xứng với tầm vóc về tài nguyên. Đây là điều mà nhiều đại biểu đã nhận diện tại hội thảo. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh thông tin: Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đều qua các năm, lọt top 10 các địa phương có lượng khách đến đông trong năm 2025 (đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm 2023). Tuy nhiên, ông Bùi Văn Mạnh cũng nêu thực trạng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Để du lịch Ninh Bình cất cánh, khai thác tối đa tài nguyên văn hoá, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo. Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, văn hóa không phải là yếu tố phụ trợ, mà là động lực cốt lõi cho phát triển du lịch. Đầu tư cho văn hóa phải song hành với việc gìn giữ văn hóa. Ngoài ra, ông cũng đề xuất tỉnh Ninh Bình cần phát triển các tuyến du lịch văn hóa theo chủ đề; thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hóa do cộng đồng dẫn dắt; thành lập các “vườn ươm” di sản để hỗ trợ khởi nghiệp cho cộng đồng…
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch, để trở thành trung tâm du lịch văn hoá, Ninh Bình cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp với điểm đến du lịch. Trước mắt, tỉnh Ninh Bình cần rà soát tổng thể thực trạng, tiềm năng để xác định mức độ trùng khớp hoặc khả năng kết nối giữa các điểm đến du lịch với các cụm, tổ hợp không gian văn hóa sáng tạo.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm cho rằng, để công nghiệp văn hóa trở thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, các địa phương nói chung và Ninh Bình nói riêng cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, phát triển bảo tàng ảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt khỏi phạm vi địa phương. “Ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ chỉ số đo lường phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên…”, ông Phan Tâm gợi ý.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch đã đề xuất nhiều giải pháp giúp tỉnh Ninh Bình xây dựng thương hiệu riêng, phát triển du lịch dựa trên nguồn lực công nghiệp văn hoá. Từ đó, tăng hiệu quả liên kết tuyến du lịch giữa Ninh Bình với các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.