Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sốngChính sách vượt trội thu hút nhân tài
Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 với nhiều chính sách vượt trội về thu hút người tài, tăng thu nhập cho công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Đây được coi là chất xúc tác cực kỳ quan trọng để các cơ quan nhà nước cạnh tranh với công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong việc thu hút nhân tài.

Mạnh hơn, đột phá hơn
Một trong những nét mới quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024 là quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức…
Trong đó, với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Đây được coi là chính sách mạnh hơn, đột phá hơn để thu hút nhân tài đến với các đơn vị nhà nước thay vì các công ty tư nhân, nước ngoài.
Đáng lưu ý nữa, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Luật Thủ đô năm 2024 và các văn bản cụ thể hóa còn nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Các cá nhân được xem là đối tượng diện thu hút nhân tài đã được quy định bao quát, mở rộng tầm quốc tế, cụ thể là "công dân Việt Nam có phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn...", "người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn...".
Bằng cấp chỉ nên là một tiêu chí
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ là đòn bẩy, động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, không bị “chảy máu chất xám” trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và tại Hà Nội không đơn giản. Đã có giai đoạn Hà Nội tuyên dương 1.879 thủ khoa xuất sắc, chỉ 10% trong số này (186 người) về làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp của thành phố và trong quá trình công tác, nhiều nhân tài được tuyển dụng đã “rời đi”.
Thạc sĩ Đào Thị Hồng Ngọc, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định: “Có rất nhiều lý do khác nhau cho sự việc trên nhưng có thể kể tới nguyên nhân xuất phát từ chính sách hầu như chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp, như: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn”. Để khắc phục tình trạng này, theo Thạc sĩ Bùi Hồng Ngọc, cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn.
Ở góc nhìn khác, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội cho rằng, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài sát với thực tế, không mang tính hình thức, khẩu hiệu, ngoài chế độ, đãi ngộ, Hà Nội cần quy định cụ thể về cách thức sử dụng người có tài năng sau khi được thu hút, môi trường làm việc, sự thăng tiến… Công tác phân công, bố trí phải bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn mà các cá nhân được đào tạo.
“Thu hút nhân tài, nhưng họ lại không được bố trí, sắp xếp đúng chuyên môn, năng lực và vị trí việc làm dẫn đến tình trạng người được thu hút về thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, thụ động trong thực thi nhiệm vụ. Thực tế, nhiều người giỏi về chuyên môn, nhưng chưa chắc đã là nhà quản lý tốt, thậm chí có những người chuyên môn giỏi, họ cũng không màng đến các chức danh hành chính, mà cần một chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho họ trong các thang bậc chuyên môn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo nhấn mạnh.