Kiểm tra an toàn thực phẩm đột xuất:Thêm lo với những vi phạm
Kết quả kiểm tra đột xuất của Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội tại nhiều cơ sở bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn còn phổ biến.
Điều này càng khiến người dân thêm lo với việc thực hiện an toàn thực phẩm tại nhiều cơ sở sản xuất, bếp ăn... Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra đột xuất và xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm...

Tồn tại nhiều vi phạm
Thực tế kiểm tra đột xuất cho thấy, đang tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn. Đơn cử, tại Công ty TNHH TPT đầu tư thương mại và dịch vụ (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội), chuyên chế biến suất ăn sẵn có tình trạng khu vực chế biến xuất hiện côn trùng (gián, chuột), khu vực bếp bố trí không theo nguyên tắc 1 chiều, không phân khu riêng biệt, không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến…
Còn tại “Bếp Lang Liêu” của Công ty cổ phần Thương mại quốc tế và xây dựng Anh Minh (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), lỗi vi phạm là để nhiều thực phẩm tại kho đã hết hạn sử dụng, hoặc không có hạn sử dụng, không có tem nhãn phụ… Trong khi đó, ở Công ty TNHH thực phẩm Cuộc sống (huyện Thạch Thất), nguyên liệu thực phẩm tại kho không đầy đủ tem nhãn mác, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu Sodium nitrite tại thời điểm kiểm tra đột xuất…
Tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm còn xuất hiện ở bếp ăn tập thể của một số công ty ở ngoại thành, chủ yếu do thiếu lưới chống côn trùng ở nhà ăn, khu bếp, khiến cho côn trùng dễ xâm nhập, gây mất an toàn thực phẩm, hoặc không thực hiện ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, không lưu mẫu thức ăn…
Còn tại bếp ăn trường học, nguy cơ mất an toàn thực phẩm chủ yếu xảy ra trong 2 tình huống. Một là với các trường học không tổ chức được bếp ăn tại trường, phải ký hợp đồng với công ty chuyên cung cấp suất ăn nhưng trường lại không thực hiện tốt khâu hậu kiểm, kiểm tra đột xuất đối với khu vực chế biến suất ăn của các đơn vị cung cấp.
Hai là, một số trường còn để xuất hiện tình trạng bán hàng rong quanh khu vực cổng trường, trong đó có những sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc, dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Xử phạt nghiêm, phân định rõ trách nhiệm cá nhân
Để ngăn chặn tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố yêu cầu xử phạt nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, phân định rõ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các đơn vị cần chú trọng công tác khảo sát, kiểm tra đột xuất, đánh giá thực trạng điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các trường học, cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm chế biến sẵn; bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
UBND thành phố yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, giám sát phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm, điều tra, xử lý kịp thời theo quy định, khống chế ngộ độc thực phẩm đông người mắc.
Trực tiếp kiểm tra đột xuất, phát hiện nhiều đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, cùng với việc đề nghị Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát, xử phạt nghiêm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, Chi cục luôn khuyến nghị thực hiện tốt công tác giám sát, hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, phải luôn chú trọng thực hiện nghiêm việc ghi chép hằng ngày đối với tiếp nhận nguyên liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; nâng cao công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, từ đó có sự tham mưu phù hợp cho người đứng đầu trong công tác đầu tư, triển khai bếp ăn tập thể một cách hiệu quả và an toàn nhất…
Tất cả nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm sức khỏe người dân, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm; vơi nỗi lo về an toàn thực phẩm trong cộng đồng; đồng thời, bảo đảm các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm.