Giải pháp lâu dài xử lý những "điểm đen" úng ngập
Khu vực nội thành Hà Nội hiện tồn tại 11 trọng điểm úng ngập. Đây là những vị trí nhiều năm thường xuyên xảy ra ngập khi mưa lớn.
Để xử lý những “điểm đen” này trong mùa mưa năm 2025, ngoài các công việc thường kỳ, Sở Xây dựng cùng đơn vị thoát nước đang tiến hành nhiều giải pháp bảo đảm hiệu quả thoát nước lâu dài.

Chủ động trước mùa mưa
Dự báo tình hình úng ngập trong mùa mưa năm 2025, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp, thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Du cho biết, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h, trên địa bàn thành phố chỉ có vài vị trí ứ đọng nước. Tuy nhiên, khi lượng mưa 50-70mm/h, sẽ có 11 điểm úng ngập và phát sinh thêm 19 điểm khác nếu lượng mưa vượt 100mm/h.
Dự báo của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy, mùa mưa năm nay sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nội thành Hà Nội có thể xuất hiện nhiều trận mưa lớn, thời gian ngắn, vượt quá khả năng thoát nước của dự án Thoát nước Hà Nội. Do đó, tình trạng úng ngập vẫn sẽ tiếp tục xảy ra tại các “điểm đen” như phố Nguyễn Chính, Hoa Bằng, Minh Khai, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngọc Lâm, Đại lộ Thăng Long đoạn tại ngã ba Lê Trọng Tấn, các hầm chui số 3, 5, 6 km9+656, nút giao An Khánh…
Liên quan đến vấn đề này, anh Trần Nguyên Khang, cư dân Khu đô thị Geleximco (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) than phiền: “Mùa mưa năm ngoái, có ngày nước ngập tới cả trên nửa mét, nhấn chìm toàn bộ khu vực tầng hầm. Để chống ngập, nhiều nhà phải mua sẵn máy bơm, dự trữ sẵn bao cát để hễ cứ mưa thì mang ra ngăn chặn nước. Cứ đến mùa mưa, nhà tôi lại phải mang ô tô đi nơi khác gửi, không dám để xe dưới tầng hầm nữa…”.
Để bảo đảm công tác thoát nước đô thị, giảm thiểu úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm nay, Sở Xây dựng ban hành kế hoạch nhằm chủ động, sẵn sàng đối phó với các trận mưa theo từng tình huống cụ thể, kể cả những trận mưa vượt quá công suất của hệ thống thoát nước.
Về công tác ứng trực, đường dây nóng được đặt tại Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội và các đơn vị thoát nước để tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời giải quyết các sự cố thoát nước khi mưa đối với từng khu vực, từng vị trí có nguy cơ xảy ra úng ngập.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã xây dựng phương án ứng trực, xử lý cụ thể đối với 11 điểm úng ngập đã tồn tại nhiều năm và các điểm đọng nước khi mưa lớn, bố trí sẵn nhân lực và thiết bị phù hợp để giải quyết xử lý nhanh nhất, giảm thiểu thời gian và mức độ úng ngập.
Với nguồn vốn duy trì, trong năm 2025, Sở tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố tiếp tục cải tạo, sửa chữa đối với 14 hạng mục công trình phục vụ thoát nước tại các tuyến đường, phố như Trần Bình, Thành Công, Tô Hiệu, Hữu Hưng hay quốc lộ 32 và tỉnh lộ 416, đoạn trên địa bàn thị xã Sơn Tây; đồng thời sửa chữa thiết bị Trạm bơm Yên Sở, cải tạo hộ lan kênh xả Cụm công trình đầu mối Yên Sở…
Giải pháp lâu dài cho từng khu vực
Ngoài biện pháp xử lý cấp bách trước mắt nêu trên, Sở Xây dựng cũng đã lên phương án lâu dài với từng lưu vực cụ thể, trong đó sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án nhà ga S12, cống hóa mương Thụy Khuê, cống hóa mương Vĩnh Tuy và thực hiện dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa... để giải quyết thoát nước cho các “điểm đen” úng ngập.
Đối với khu vực phía Tây thành phố, đặc biệt là Đại lộ Thăng Long, để bảo đảm thoát nước trong giai đoạn Trạm bơm Yên Nghĩa chưa thể vận hành đủ công suất thiết kế, sẽ tăng cường công tác vận hành bơm thoát nước tại Hầm chui dân sinh số 3, thành phố nghiên cứu xây dựng các trạm bơm dã chiến như Đìa Sáo, Đồng Tép. Về lâu dài, Sở Xây dựng sẽ đề xuất xây dựng hệ thống thoát nước đô thị dọc tuyến Đại lộ Thăng Long theo quy hoạch, thoát ra sông Đáy qua trạm bơm Đào Nguyên với công suất 25m3/s cùng xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước khác.
“Là cơ quan đầu mối đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước chủ trì thực hiện các giải pháp thoát nước, Sở Xây dựng đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn đầu tư công đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND thành phố giao nhiệm vụ”, ông Lê Văn Du nêu thêm.
Hiện các đơn vị duy trì thoát nước trên địa bàn thành phố đều đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn được giao quản lý. Riêng với Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, đơn vị chủ lực của thành phố đã trúng và thực hiện 3/6 gói thầu thoát nước do thành phố quản lý với khối lượng khoảng 80% địa bàn, đội ngũ hơn 2.000 cán bộ cùng hàng nghìn trang thiết bị máy móc và các phương tiện cơ giới chuyên ngành hiện đại đã sẵn sàng ứng trực tại các điểm úng ngập để xử lý trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho thành phố.
GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Bộ Xây dựng)
Dự án khu đô thị mới không được làm gia tăng úng ngập

Tại Hà Nội, việc tập trung phát triển đô thị nhưng chưa chú trọng đến phát triển các công trình hạ tầng đã giảm khả năng thấm hút tự nhiên.
Cùng với đó, các dự án xây dựng không có sự kiểm soát cốt nền cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khiến cho các khu dân cư hiện hữu tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… luôn bị úng ngập nhiều ngày sau mưa.
Về giải pháp xử lý, các dự án khu đô thị mới, khu chức năng mới phải bố trí quỹ đất xây dựng công trình điều hòa nước mưa cho dự án. Cần có quy định yêu cầu các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu chức năng mới phải có giải pháp không làm gia tăng nguy cơ úng ngập cho khu vực hạ lưu (ứng với lưu lượng mưa), bằng cách áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững. Phải quy định rõ là "không được làm gia tăng úng ngập", chứ không mập mờ "giảm tải thoát nước mưa cho khu vực lân cận".
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng):
Coi trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước
Lĩnh vực thoát nước là dịch vụ công ích do đó cần phải coi trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước là nhiệm vụ chính của các cấp chính quyền thành phố.

Hằng năm, thành phố phải dành đúng, đủ vốn theo kế hoạch đã duyệt để đầu tư vào các dự án đã được xác định. Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng và hệ thống cống gom tất cả nước thải riêng theo quy hoạch. Để quản lý hiệu quả hệ thống thoát nước, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thoát nước là rất cần thiết. Hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép cả chủ sở hữu và đơn vị thoát nước có đầy đủ thông tin chung về hệ thống cấp nước.
Mặt khác hệ thống tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện sẽ đóng vai trò như “sổ cái” tài sản cố định, là cơ sở để tính toán chính xác các chi phí khấu hao... Từ đó tính toán giá dịch vụ thoát nước phù hợp, là cơ sở, công cụ góp phần vào công việc chuyển đổi số hiệu quả.
Bà Lê Giang (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên):
Lo lắng vì “mưa là ngập”
Năm nay mùa mưa chưa đến, nhưng trận mưa rào vào sáng sớm 1-5 vừa qua đã khiến nhiều tuyến phố ngập sâu. Trên địa bàn quận Long Biên cũng có vài điểm thoát nước chậm, cứ đến mùa mưa là chúng tôi lại lo lắng bởi điệp khúc “mưa là ngập” diễn ra nhiều năm nay.

Được biết, ngoài những lý do chính như các trạm bơm đầu mối chưa được xây dựng hoặc khi mưa lớn, mực nước sông dâng cao nước trong phố cũng không thể thoát nhanh, tôi còn thấy ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt.
Nhiều người vẫn xả rác, xả chất cặn bã hóa học như dầu, mỡ thực phẩm chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước, tạo lớp cặn hay bè mảng lớn chắn cửa cống, hố ga. Tại những khu vực này, nếu không kịp thời xử lý rất dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy.
Do đó, trước mùa mưa năm nay, mong rằng chính quyền thành phố và quận tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cống, kênh mương thoát nước. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các hành vi xả thải bừa bãi ra môi trường, gây tắc nghẽn cục bộ hệ thống thu gom nước thải.