Chủ tịch nước Lương Cường: Khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại “lách luật”
Đó là ý kiến được Chủ tịch nước Lương Cường đưa ra tại phiên Quốc hội thảo luận ở Tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều 8-5.

Phải bịt được “lỗ hổng” về pháp luật
Phát biểu ý kiến thảo luận tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường (Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.
Theo Chủ tịch nước, mục tiêu sửa luật phải đáp ứng, thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tất cả phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân và khắc phục được những tồn tại thực tiễn.
"Không chỉ xử lý những người vi phạm, cái chính của chúng ta là giáo dục để cho mọi cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được pháp luật, tự giác thực hiện", Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh đây mới là mục đích quan trọng, cần đại biểu nghiên cứu thêm.
Theo Chủ tịch nước, hệ thống cơ quan tư pháp gồm điều tra, viện kiểm sát, tòa án dù tam quyền nhưng có sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại lách luật, còn chỗ không hiểu luật thì làm sai luật. Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phải bịt được “lỗ hổng” này dù rất khó.
Một vấn đề khác được Chủ tịch nước yêu cầu là phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) đề xuất nghiên cứu quy định về tiêu chí để thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực. Cụ thể, đại biểu cho rằng việc thành lập Tòa án nhân dân khu vực phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm số lượng vụ án trung bình hằng năm, dân số khu vực, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và các yếu tố liên quan khác.
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) kiến nghị điều chỉnh thẩm quyền giữa các cấp tòa án; giảm thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án cấp tỉnh và tăng thẩm quyền cho tòa án khu vực. Theo đại biểu, hiện nay đội ngũ thẩm phán tại các tòa án cấp huyện, sau này là tòa án khu vực, đã có nhiều người được bổ nhiệm thẩm phán trung cấp, đủ trình độ và năng lực xét xử những vụ án nghiêm trọng.
“Việc phân cấp như vậy sẽ giảm tải cho tòa án cấp tỉnh, nâng cao hiệu suất xử lý án và tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý ngay tại địa bàn cư trú. Trong trường hợp vụ án phức tạp, có thể biệt phái thẩm phán cấp tỉnh xuống hỗ trợ xét xử”, đại biểu nói.

Tránh chồng chéo giữa các cấp thanh tra
Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), về phân định nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, Thanh tra Chính phủ vừa tiếp nhận có các thanh tra Bộ về, đây là các thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực. Thanh tra các tỉnh có các thanh tra Sở cũng là thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Vậy thì cần xác định Thanh tra Chính phủ thực hiện với đối tượng nào, Thanh tra tỉnh thực hiện với đối tượng nào để tránh chồng chéo, trùng lặp.
Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng cần quy định rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với UBND cấp xã, nhằm duy trì kết nối cơ sở trong phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, như: Đất đai, xây dựng, môi trường, an sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm…
Lý giải đề xuất này, đại biểu cho rằng do cách thiết lập về bộ máy thanh tra không có thanh tra cấp xã, để nắm bắt tình hình, phát hiện vi phạm từ cơ sở đồng thời, bao quát tốt hơn trong bối cảnh không còn thanh tra cấp huyện, nhằm đảm bảo hiệu quả thanh tra trên toàn địa bàn tỉnh thì yêu cầu cần có cơ chế phối hợp giữa thanh tra tỉnh với UBND cấp xã là rất cần thiết.

Mặt khác, khi trao cho cấp xã khá nhiều quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã mà không có thanh tra cấp xã dễ có nguy cơ bị lạm quyền, lợi dụng quyền lực làm trái trong thi hành công vụ ở cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cho rằng, dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra (tự mình giám sát) còn chưa cụ thể.
“Người ra quyết định thanh tra được hiểu là người đương nhiên có trách nhiệm giám sát hoạt động thanh tra, do đó quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn khi giám sát hoạt động đoàn thanh tra của người ra quyết định thanh tra là rất cần thiết để họ thực hiện việc giám sát theo đúng các nội dung, yêu cầu và thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tự giám sát hoạt động Đoàn thanh tra do chính mình ra quyết định thành lập”, đại biểu nói.