Sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thu hút sự quan tâm và đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây là bước đi quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bà Nguyễn Lệ Thanh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 11 và 21, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai:
Cơ sở pháp lý cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Ngay khi nhận được nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tôi đã đưa vào các nhóm Zalo của chi bộ, của tổ dân phố để các đảng viên và nhân dân nắm được. Sắp tới, chi bộ sẽ họp triển khai, tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Qua nắm bắt tình hình, tôi thấy các đảng viên trong chi bộ đều tin tưởng vào Đảng, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tôi tin rằng sẽ vận hành hiệu quả, nhưng trong thời gian đầu sẽ có những khó khăn, vì vậy rất cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vấn đề nhân sự đối với cấp xã. Cụ thể là quan tâm bố trí nhân sự có trình độ năng lực tốt, đồng thời quan tâm về điều kiện cơ sở vật chất, từ đó, thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam quận Đống Đa:
Nền tảng cho đổi mới hệ thống chính trị và phát huy quyền công dân
Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, Hiến pháp nước ta đã được sửa đổi, bổ sung 5 lần và ở mỗi giai đoạn đều phản ánh tập trung được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 hiện nay là quyết tâm chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong nỗ lực đổi mới toàn diện đất nước.

Nhận thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền, tôi nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng với chủ trương của Đảng.
Ở cấp cơ sở, đoàn viên thanh niên của 17 phường trên địa bàn quận Đống Đa cũng tham gia trực tiếp và vận động nhân dân tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ hội khẳng định khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Thế hệ trẻ tin tưởng rằng cuộc cách mạng tinh gọn lần này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bà Đoàn Thị Gái, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:
Không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc
Việc sửa đổi Hiến pháp thời điểm này là vô cùng phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đang đến độ chín và đã đến lúc phải triển khai hoàn thiện.
Theo đó, cần tập trung vào các quy định về chính quyền địa phương nhằm hiến định việc không tổ chức chính quyền trung gian (cấp huyện) và các quy định cơ bản nhất về hệ thống chính trị giúp giảm sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính nhà nước.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân. Hiến pháp là nguồn, là căn cứ để ban hành luật nên những vấn đề chi tiết như thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như thế nào nên được thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành, vừa bảo đảm dân chủ vừa tạo độ linh hoạt cần thiết.
Quá trình triển khai, cần huy động tốt sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, để thống nhất cả trong nhận thức và hành động thực hiện chủ trương của Đảng vì sự phát triển của đất nước. Không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Chị Đoàn Việt Hà, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng:
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với giai đoạn mới
Tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính - Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Trong giai đoạn vừa qua, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, mô hình này sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó cần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng giảm đầu mối sẽ vừa giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy, vừa mở ra những cơ hội phát triển mới của địa phương. Điển hình như thành phố Hà Nội cũng đã trải qua những lần sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gần đây nhất là từ ngày 1-1-2025, 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố đi vào hoạt động (giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã) và vẫn bảo đảm ổn định chính trị xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.