Môi trường

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sự cố hóa chất

Đình Hiệp 08/05/2025 - 14:35

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 8-5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sự cố hóa chất.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 8-5. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 chương, 52 điều, giảm 37 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (Điều 39). Cụ thể, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất với các luật liên quan; đồng thời, rà soát Luật Bảo vệ môi trường để tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và ứng phó sự cố môi trường...

hoang-thanh-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, để phát triển ngành hóa chất Việt Nam bền vững cần ưu tiên sử dụng hóa chất thân thiện môi trường, phát triển hóa chất có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, chú trọng áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của Chính phủ.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, song đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) chưa đồng thuận với việc áp dụng “cứng” nguyên tắc theo quy định của Chính phủ và cho rằng trong bối cảnh các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các dự án hóa chất, việc áp dụng nguyên tắc “cứng” thế nào cho phù hợp cần được xem xét một cách thấu đáo hơn.

Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo có thể chuyển từ nguyên tắc bắt buộc sang thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án hóa chất.

nguyen-thi-lan-anh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho biết, dự thảo Luật quy định các cơ sở hóa chất phải xây dựng và ban hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất và phải thường xuyên thực hành diễn tập các phương án ứng phó. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là và chỉ quan tâm sau khi xảy ra sự cố hóa chất.

“Bên cạnh những quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chế tài về lĩnh vực này để xử lý nghiêm các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hóa chất nguy hiểm có thể gây hại cho con người, tài sản, môi trường vào nội hàm của định nghĩa hóa chất nguy hiểm ở khoản 4 Điều 2.

Về Điều 4 liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, bên cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất, cần có nội dung trách nhiệm của đoàn thể trong phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm về an toàn hóa chất của các cấp, ngành trong xử lý tình huống nguy hiểm, nguy cấp về hóa chất...

hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp thu, giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và làm rõ 15 lượt ý kiến góp ý của các đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.