Phòng, chống lừa đảo trực tuyến: Giải pháp công nghệ kết hợp nâng cao nhận thức
Nếu như năm 2023 người dùng trong nước bị thiệt hại khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng do lừa đảo trực tuyến, thì năm 2024 con số này lên đến 18.900 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trung bình cứ 220 người thì có một người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Để công tác phòng, chống đạt hiệu quả, giải pháp công nghệ kết hợp nâng cao nhận thức là vô cùng cấp thiết.
Ra mắt nhiều ứng dụng phòng, chống lừa đảo trực tuyến

Tháng 7-2024, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) chính thức ra mắt phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát, quét các ứng dụng trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo.
Người dùng có thể tải phần mềm từ Google Play với hệ điều hành Android và App Store với hệ điều hành iOS để bảo vệ điện thoại. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, ứng dụng (app) nghi ngờ về trung tâm thông qua tính năng tích hợp sẵn trên phần mềm.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, thống kê từ hệ thống nTrust đã ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Hệ thống nTrust cũng cập nhật 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo trong năm qua.
Đầu tháng 4-2025, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã ra mắt ứng dụng phòng, chống lừa đảo qua tin nhắn sms scam protection. Ứng dụng giúp người dùng điện thoại di động phòng tránh lừa đảo khi nhận được tin nhắn lừa đảo, khi mua sắm, duyệt web, khi kết nối wifi.
Trường hợp người dùng nhận được tin nhắn văn bản chứa liên kết đến trang web lừa đảo yêu cầu người dùng hành động ngay, tin nhắn lừa đảo sẽ tự động được chuyển vào thư mục rác (với người dùng điện thoại iOS) hoặc gửi thông báo phát hiện tin nhắn lừa đảo (với người dùng Android).
Ứng dụng cũng xếp hạng độ tin cậy rõ ràng của cửa hàng trực tuyến, trang web, khi người dùng lướt internet mua sắm. Tương tự, ứng dụng bảo vệ người dùng trước các tin nhắn giả mạo có nội dung khẩn cấp từ ngân hàng thông báo chủ thẻ có vấn đề với tài khoản nhưng thực chất là trong tin nhắn chứa liên kết đến trang web ngân hàng giả mạo.
Nếu phát hiện thấy wifi không an toàn, ứng dụng sẽ tự động phát hiện và hướng dẫn người dùng bật mạng riêng ảo (VPN) để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng vào cuối tháng 4 vừa qua, dự án Chống lừa đảo ra mắt trang giao diện mới (địa chỉ tại: https://chongluadao.vn) tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) giúp tra cứu nhanh, chính xác về lừa đảo trực tuyến; đồng thời, thống kê xu hướng lừa đảo, tự động gợi ý thông tin trùng khớp và hỗ trợ người dùng nhận diện rủi ro.
Đáng chú ý, trang web xây dựng một tiện ích mở rộng cài trên trình duyệt web và chatbot AI để cảnh báo người dùng khi truy cập vào các trang web nguy hiểm, lừa đảo, chứa mã độc, giả mạo hoặc có nội dung xấu…
Tăng nhận thức, nâng cao kỹ năng

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Cho dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Dựa trên những sự việc được trình báo cơ quan công an, tính riêng năm 2023, có khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Năm 2024 thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước khoảng 18.900 tỷ đồng. Cơ quan công an cũng đã khởi tố hàng nghìn vụ với tội danh lừa đảo trên không gian mạng.
Các chuyên gia, đại diện hiệp hội về an ninh mạng cũng nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người dùng lưu ý khi tham gia không gian mạng. Theo đó, người dùng cần ghi nhớ, cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại. Kết thúc ngay cuộc gọi nếu thấy nội dung không liên quan tới nhu cầu của mình để tránh bị lừa đảo (có thể sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi có trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng chặn cuộc gọi spam).
Người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội; trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp; sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ các tài khoản cá nhân.
Người dùng không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; không nhấp vào liên kết lạ, đặc biệt là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Hạn chế sử dụng wifi công cộng nếu chuyển tiền, đăng nhập tài khoản. Tìm hiểu các hình thức lừa đảo phổ biến mới…
Trong chia sẻ với báo chí, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), nhấn mạnh, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng.
“Điều nguy hiểm là đối tượng lừa đảo khai thác yếu tố tâm lý, việc thiếu kỹ năng và lòng tham của con người. Nên chừng nào người dùng chưa nâng cao nhận thức, chưa có kỹ năng cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn, phi thực tế trên không gian mạng thì lừa đảo trực tuyến vẫn còn tiếp tục”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.