Thế giới

Ông Friedrich Merz trở thành Thủ tướng của Đức:Mở ra nhiều triển vọng cải cách

Hoàng Linh 08/05/2025 - 07:14

Rạng sáng 7-5 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Đức sau 2 vòng bỏ phiếu đã thông qua việc bầu chọn ông Friedrich Merz trở thành Thủ tướng mới của đất nước, mở ra nhiều triển vọng cải cách.

Tình hình nước Đức dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz được kỳ vọng sẽ có bước ngoặt tích cực, vừa cải tổ mạnh mẽ trong kinh tế và đối ngoại, vừa duy trì được ổn định xã hội và chính trị.

duc.jpg
Thủ tướng Đức Friedrich Merz được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi cho nước Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: NDTV

Là chính trị gia kỳ cựu thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Friedrich Merz lên nắm quyền trong bối cảnh châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng đối mặt với nhiều thách thức, từ an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu cho đến cạnh tranh địa chính trị với các cường quốc. Vì thế, giới quan sát nhận định, diễn biến mới ở Berlin sẽ không chỉ là một sự thay đổi về cá nhân lãnh đạo, mà còn đánh dấu sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách nội địa và đối ngoại của nước Đức, đồng thời tác động sâu sắc tới đường hướng của Liên minh châu Âu (EU) thời gian tới.

Về kinh tế, Thủ tướng Friedrich Merz là một doanh nhân kỳ cựu. Ông nổi tiếng với quan điểm thị trường tự do, thân thiện với doanh nghiệp và chủ trương cải cách nền kinh tế theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước; đồng thời có quan điểm rõ ràng về vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, các ý kiến phân tích cho rằng, nước Đức tới đây có thể chứng kiến những thay đổi về luật thuế, quy định đầu tư và cải cách hành chính nhằm khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới công nghệ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đặc biệt giá trị trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang phải vật lộn với suy thoái kỹ thuật, lạm phát và áp lực cạnh tranh từ các nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc. Thủ tướng Friedrich Merz cũng được dự báo sẽ tập trung tái công nghiệp hóa, đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành công nghệ cao, tăng cường năng lực sản xuất chíp, năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài.

Về chính sách xã hội, nước Đức với sự chèo lái của “thuyền trưởng” mới được nhận định sẽ bảo thủ hơn trong các vấn đề xã hội so với chính phủ tiền nhiệm. Berlin có thể sẽ triển khai các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn. Đây là cách tiếp cận dễ hiểu khi Đức đang đối mặt với áp lực dân số nhập cư tăng và căng thẳng xã hội đi kèm. Thực tế, Thủ tướng Friedrich Merz từng nhiều lần nhấn mạnh về việc “đặt ra giới hạn rõ ràng” cho nhập cư, ưu tiên thu hút người lao động có tay nghề cao thay vì nhập cư tự do. Nhà lãnh đạo này cũng đặt ra các mục tiêu cải tổ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nội địa thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhân lực nước ngoài.

Trong đối ngoại, Thủ tướng Friedrich Merz được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ. Điều này có nghĩa là, Đức tới đây có khả năng gia tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh vai trò trong NATO, thậm chí mở rộng cung cấp vũ khí cho Ukraine và tăng cường năng lực răn đe quân sự. Với Trung Quốc, Thủ tướng Đức có quan điểm "cảnh giác", đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như viễn thông, trí tuệ nhân tạo và chuỗi cung ứng công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến việc Berlin tham gia sâu hơn vào các sáng kiến giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của EU, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế - an ninh với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Để có thể triển khai chương trình nghị sự như mong muốn, Thủ tướng Friedrich Merz sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Các tờ báo như The Guardian (Anh) và Die Welt (Đức) đã chỉ ra một số vấn đề cấp bách, như việc ông Friedrich Merz thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội là một “sự kiện chưa từng có” trong lịch sử hậu chiến của Đức, cho thấy sự chia rẽ vẫn tồn tại trong liên minh cầm quyền và chính phủ mới cần ưu tiên củng cố tính ổn định trước khi thúc đẩy chương trình nghị sự.

Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Friedrich Merz còn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trì trệ và áp lực từ các vấn đề nhập cư. Ngoài ra, thách thức cũng nằm ở khả năng điều phối ngân sách, trong đó quan trọng là duy trì cân bằng giữa cải cách thị trường và các chính sách xã hội. Bởi lẽ, cắt giảm chi tiêu công hoặc trợ cấp xã hội quá nhanh sẽ vấp phải sự phản đối từ cử tri trung lưu và người lao động - lực lượng quan trọng trong nền chính trị Đức.

(Theo DW, France 24, The Guardian)