Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội:Không gian mới, vận hội mới
Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Với cách làm bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và chặt chẽ, quy mô các xã, phường mới được sắp xếp tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính tổng thể các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ đó, tạo không gian mới liền mạch, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển tốt hơn trong tương lai.

1. Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vừa được HĐND thành phố thông qua, xã Ba Vì sau sắp xếp có diện tích tự nhiên lớn nhất thành phố, với hơn 81km2. Xã Ba Vì sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Ba Vì, Khánh Thượng và phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Minh Quang (huyện Ba Vì).
Chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Tha cho rằng, xã Ba Vì sau sắp xếp đơn vị hành chính từ 3 xã hiện tại là Ba Vì, Khánh Thượng và phần lớn xã Minh Quang là rất phù hợp với địa hình đồi núi cũng như tập quán sản xuất của cư dân địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào Mường. Đặc biệt, ranh giới xã Ba Vì mới với các xã khác theo trục đường lớn, sông… nên dễ nhận biết ngoài thực địa và thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính.
“Một yếu tố nữa cần tính đến là vùng đất xã Ba Vì là vùng đất cổ phía Tây của Hà Nội, bao quanh ngọn núi Ba Vì linh thiêng. Nơi đây, không chỉ được biết đến với cảnh quan núi non hùng vĩ với những dãy núi đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, cùng ba đỉnh núi chính (đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa) mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa - tâm linh đặc biệt. Nổi bật là Tản Viên Sơn Thánh - Sơn Tinh, vị thần đứng đầu "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt",ông Nguyễn Tiến Tha bày tỏ.
Một đơn vị hành chính cơ sở khác cũng thu hút sự quan tâm của nhân dân là phường Hồng Hà. Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội, đơn vị hành chính cơ sở Hồng Hà (phường Hồng Hà) có diện tích tự nhiên lớn thứ hai ở khu vực nội đô Hà Nội với 16,61km2 (đơn vị hành chính Long Biên rộng nhất ở khu vực nội đô với diện tích 19,15km2). Điểm nổi bật của đơn vị hành chính này là được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và một phần diện tích tự nhiên của 12 phường thuộc 5 quận là Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Hai Bà Trưng. Đặc biệt, toàn bộ diện tích của đơn vị hành chính cơ sở Hồng Hà nằm ngoài đê sông Hồng, kéo dài từ cầu Nhật Tân đến qua cầu Vĩnh Tuy.
Đặc điểm dễ thấy hiện nay là mặc dù có vị trí địa lý liền kề, nhưng 12 phường (toàn bộ diện tích tự nhiên hoặc một phần) ở khu vực ngoài đê sông Hồng lại chịu sự quản lý khác nhau của 5 quận trên cơ sở phân chia địa giới hành chính. Chính vì vậy, khi thành phố Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở Hồng Hà, ưu điểm nổi trội là sẽ có chung đặc điểm tự nhiên (hệ thống đê điều, bãi sông và thủy văn sông Hồng), từ đó có cơ sở pháp lý, thực tiễn để giải quyết đồng bộ những vấn đề bất cập đang tồn tại ở khu vực này hiện nay. Trong đó có vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị một cách đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các điều kiện thủy văn và pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Phân tích 2 ví dụ điển hình nêu trên để thấy, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội với 126 xã, phường đã bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương; và trên hết là tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, giá trị mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô.
2. Phải khẳng định, Hà Nội đã thực hiện triệt để, hiệu quả chủ trương của Trung ương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là hướng tới mục tiêu: Xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Nguyên tắc trọng tâm được thành phố thực hiện là các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố đã tính toán kỹ lưỡng yếu tố quy hoạch trong tương lai; tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển các đô thị trực thuộc Thủ đô; định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương... Thành phố cũng xác định rõ tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Sơn Nam Thượng...).
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, quá trình thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở cho thấy, do yếu tố lịch sử, nhiều phường, tổ dân phố, khu dân cư trong nội thành Hà Nội hiện có diện tích chồng lấn. Đơn cử, một khu đô thị do 3-4 phường cùng quản lý. Một phường, tổ dân phố nhưng lại nằm xen kẽ giữa nhiều tuyến đường, chia cắt bởi các dòng sông, nên không thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân cũng như cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ.
Chính từ những bất cập nêu trên, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính phường, thành phố đã lấy địa giới hành chính theo tuyến đường, dòng sông để xây dựng đơn vị hành chính cấp phường. Đối với các đơn vị hành chính xã, thành phố sắp xếp trên cơ sở phù hợp với đặc điểm cộng đồng dân cư thôn xóm, văn hóa làng, xã, dòng họ và đồng ruộng canh tác của nhân dân…
Nhờ phương pháp triển khai bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và chặt chẽ, nhân dân Thủ đô đã thống nhất rất cao (đạt gần 100% ý kiến nhân dân đồng thuận) với phương án và cách sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.
3. Theo kế hoạch của Trung ương, từ ngày 1-7-2025 sẽ kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, đồng nghĩa chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) chính thức hoạt động.
Cùng với cả nước, 126 đơn vị hành chính cấp cơ sở của thành phố Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ mở ra không gian mới, tạo vị thế và vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm và rất mong đợi. Ông Đặng Văn Nguyên (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cho biết: “Tôi rất tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Đảng và Nhà nước. Được biết, nơi tôi đang sinh sống và làm việc sẽ hình thành đơn vị hành chính cơ sở Hòa Lạc. Đơn vị hành chính mới được kỳ vọng sẽ là vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai và tôi rất kỳ vọng với không gian mới sẽ mang đến cho khu vực nhiều cơ hội phát triển”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Vân (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Đơn vị hành chính cấp xã mới với quy mô lớn hơn, chắc chắn sẽ là cú hích để cho các địa phương phát triển trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, chính quyền cấp cơ sở mới sẽ gần dân, bám sát dân và phục vụ người dân được tốt hơn, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, cho đến thời điểm này, việc sắp xếp đơn vị hành chính của chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện triệt để chỉ đạo của Trung ương (giảm 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã), khi giảm đến 76% số xã, phường sau sắp xếp, dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã có tầm nhìn dài hạn, vì sự phát triển của Thủ đô, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là: “Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển”.
Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng với đất nước. Trong kỷ nguyên phát triển mới, các đơn vị hành chính cấp xã của Thủ đô sau khi được sắp xếp sẽ mở rộng về quy mô diện tích tự nhiên, dân số nhưng vẫn giữ vững không gian phát triển dài hạn, bảo đảm sự liền mạch trong tổng thể không gian phát triển của Thủ đô trong nhiều năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết để Hà Nội phát huy vị thế đặc biệt là trái tim của cả nước, là cực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của các khu vực lân cận và vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.