Kỳ vọng “khoán 10” trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Quy định phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ được đại biểu Quốc hội đánh giá là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học.
Chiều 6-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Đòn bẩy” mở ra kỷ nguyên mới
Thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá, Luật được ban hành sẽ tác động tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo cách tiếp cận toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có một hành lang pháp lý thực sự đổi mới để thúc đẩy các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước. Nếu luật không đủ mạnh, không tạo đột phá, sẽ không thể huy động được chất xám và tiềm lực trí tuệ trong và ngoài nước.
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khi ra đời sẽ là “đòn bẩy” chiến lược thúc đẩy khoa học phát triển, giúp Việt Nam khai thác hiệu quả trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học và chuyển đổi số. Từ đó, mở ra kỷ nguyên mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường.
“Nếu muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững, không thể thiếu vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật lần này phải thể hiện tầm nhìn dài hạn, tư duy mở và cơ chế thực thi linh hoạt để dẫn dắt sự chuyển đổi chiến lược của nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ khái niệm đổi mới sáng tạo trong Luật theo hướng toàn diện và rộng hơn, bao gồm cả đổi mới sáng tạo phi công nghệ, đổi mới trong văn hóa, giáo dục, quản trị công và cải tiến quy trình.
Bên cạnh đó, dự thảo cần tăng cường quy định về cơ chế tài chính linh hoạt, đặc biệt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong đó bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm, miễn giảm thuế, giảm rào cản hành chính khi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội đề xuất thiết lập chính sách ưu đãi rõ ràng, như miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà khoa học, hỗ trợ tài chính cho trường đại học và viện nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu...
Còn đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã cơ bản khơi thông nguồn lực công - tư, phát triển kinh tế tư nhân, giúp hình thành thị trường khoa học công nghệ, kết nối cung - cầu về khoa học công nghệ… Đại biểu cũng đánh giá, việc quy định phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ là lợi nhuận sau thuế với tối thiểu 30% cho nhà khoa học là điều khoản mạnh dạn. “Đây là quy định mới, là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về cơ chế phân chia lợi nhuận trong trường hợp khoa học công nghệ phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng hay hợp tác nghiên cứu với khu vực tư nhân; đồng thời, bảo đảm kinh phí cho nghiên cứu khoa học cơ bản…

Cần cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu
Đối với quy định chấp nhận rủi ro trong nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại: Sản phẩm khoa học công nghệ là sản phẩm tri thức, không nhìn thấy được, vậy việc đánh giá về sản phẩm sẽ được thực hiện như thế nào?
“Có thể xảy ra tình trạng lạm dụng: Nhận kinh phí về nghiên cứu, sau đó công bố không đạt được kết quả và không phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, có thể không đạt được mục tiêu đề ra nhưng bao giờ cũng có kết quả để chứng minh vì sao không đạt được mục tiêu”, đại biểu Cường nói và cho rằng, dự thảo Luật cần có cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Về vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung nội dung “đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa để giảm tối đa rủi ro, thiệt hại gây ra” vào quy định “tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định”.
Để thúc đẩy việc thương mại hoá nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay, trên thế giới, mô hình spin-off (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ được thành lập trong các trường đại học, viện nghiên cứu - PV) đang được thúc đẩy mạnh. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong quá trình hoàn thiện dự Luật, cần có quy định rõ ràng, chi tiết về việc thúc đẩy mô hình spin-off.

Quan tâm đến chính sách đãi ngộ nhân lực khoa học và công nghệ, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, nội dung này quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể. Để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị làm rõ hơn quy định về các loại đãi ngộ như lương, nhà ở, ưu đãi thuế, cư trú, điều kiện làm việc... và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí thế nào là “nhân tài” để bảo đảm quá trình thực thi minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh các ý kiến đóng góp cụ thể về khoa học công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc dự thảo Luật đã có bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên xác định rõ khoa học xã hội và nhân văn là một bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, có vai trò cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị thúc đẩy nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội. Luật nên khuyến khích các dự án đổi mới sáng tạo phải có sự tham gia của nhà khoa học xã hội nhằm bảo đảm mọi tiến bộ công nghệ đều được đặt trong khuôn khổ nhân văn, bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Cùng ngày, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận tại tổ về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).