Nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 6-5, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị về Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội. Các đại biểu đã đánh giá về việc thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ.
Qua 5 năm triển khai cho thấy, các bộ, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn... nhằm triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Một số địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai đề án, đề tài, chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ban hành Nghị quyết quy định định mức chi của địa phương cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp đã xây dựng và vận hành Trang tin điện tử hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp với nhiều tính năng mới, tiện ích thiết thực (khảo sát trực tuyến, hỏi đáp và tư vấn trực tuyến, livestream, Facebook/Youtube/Zoom…).
Tuy nhiên, các phản ánh cũng cho thấy, nghị định trên đã bộc lộ bất cập, như chưa tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định được kịp thời, thuận tiện.
Hiện nay, chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội… Nghị định 55/2019/NĐ-CP cũng chưa bao phủ hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể - lực lượng đông đảo nhưng còn hạn chế về tiềm lực.
Bên cạnh đó, đa số bộ, ngành chưa công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật; chi phí hỗ trợ còn thấp, thủ tục rườm rà. Vì vậy, cần hoàn thiện thể chế, xác định rõ trách nhiệm cơ quan liên quan, mở rộng đối tượng thụ hưởng, ban hành cơ chế hỗ trợ pháp lý chung và ưu tiên đặc thù theo từng nhóm theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Đồng thời, cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ đó, góp phần nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển như định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành.