Doanh nghiệp

Petrovietnam và định hướng phát triển trên 3 trụ cột chiến lược

Khánh An 06/05/2025 - 16:05

Tên gọi “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam” không còn bó hẹp trong phạm vi dầu khí mà mở rộng ra toàn bộ lĩnh vực năng lượng - bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và các nguồn năng lượng thế hệ mới.

anh-1-4-.jpg
Thương hiệu Petrovietnam sẽ phát triển lên một tầm cao mới, hiện đại hơn, toàn diện hơn.

Thay đổi mang tính chiến lược

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân), việc đổi tên “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam” là một bước thay đổi mang tính chiến lược, thể hiện sự chuyển mình căn bản về mô hình phát triển, sứ mệnh cũng như tầm nhìn của ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam không còn bó hẹp trong phạm vi dầu khí mà mở rộng ra toàn bộ lĩnh vực năng lượng - bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và các nguồn năng lượng thế hệ mới. Điều này phản ánh phạm vi hoạt động của tập đoàn sẽ rộng hơn, với tiềm năng phát triển và cơ hội lớn hơn.

Với tầm nhìn như vậy, Petrovietnam đang hướng đến mô hình tương tự như các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như Saudi Aramco, Equinor (Na Uy) hay BP (Anh).

Chiến lược phát triển của tập đoàn phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay. Đó là chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm dần phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, hóa thạch. Đây là định hướng phát triển bền vững và trách nhiệm với tương lai.

Điều này cũng đòi hỏi một mô hình tổ chức mới, một cách tiếp cận mới trong cách thức vận hành ngành năng lượng quốc gia - đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp nền tảng, là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

anh-2-3-.jpg
Việc đổi tên không đơn thuần là thay đổi định danh, mà còn thể hiện một chiến lược phát triển phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay.

Ba trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ

Petrovietnam xác định định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích: “Trước đây, ngành dầu khí được nhìn dưới góc độ khai thác và bán dầu là chính. Nhưng giờ đây, tập đoàn đã mở rộng tầm nhìn, bao phủ cả công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ năng lượng và đổi mới công nghệ. Như vậy, tư duy phát triển đã thay đổi căn bản”.

Với trụ cột công nghiệp, Petrovietnam lấy công nghệ số, tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, không chỉ khai thác mà còn phải tạo giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu và phát triển hệ sinh thái công nghiệp.

Để hỗ trợ Petrovietnam hiện thực hóa tầm nhìn trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu khu vực, theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Chính phủ cần triển khai một hệ thống các cơ chế và chính sách đồng bộ, dựa trên đánh giá toàn diện cơ cấu kinh tế quốc dân và vai trò then chốt của ngành công nghiệp năng lượng.

Trước hết, cần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu tối thiểu 30% năng lượng từ các nguồn năng lượng mới, sạch và tái tạo vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế cụ thể, bao gồm: Cơ chế tài khóa và tín dụng - ưu đãi thuế cho các dự án năng lượng sạch, tái tạo và công nghệ cao; cơ chế phát triển khoa học công nghệ - tăng cường ngân sách cho Quỹ nghiên cứu và phát triển năng lượng, đồng thời trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tập đoàn như Petrovietnam trong đầu tư nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; cơ chế đầu tư ra nước ngoài - hỗ trợ các tập đoàn năng lượng đầu tư vào các quốc gia có nhu cầu cao về năng lượng sạch, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế; cơ chế đổi mới cơ sở hạ tầng - khuyến khích hiện đại hóa thiết bị và hạ tầng ngành năng lượng thông qua các chính sách khấu hao nhanh, miễn/giảm thuế cho các dự án đổi mới công nghệ.

Với hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài khóa, tín dụng, đầu tư, nghiên cứu và hội nhập quốc tế, ngành công nghiệp năng lượng với Petrovietnam đóng vai trò then chốt có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo Nghị quyết 55, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia.