Đa dạng thị trường xuất khẩu: Tận dụng lợi thế sản phẩm Halal
Thị trường Halal (sản phẩm dành cho người Hồi giáo) mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là khi kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.
Song để chinh phục thị trường này, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái bài bản, có chiến lược dài hạn cùng sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về thị trường.

Cơ hội rộng mở
Thị trường Halal toàn cầu trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD. Các sản phẩm Halal được tiêu thụ mạnh gồm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang...
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal rất rộng lớn bao gồm các quốc gia Hồi giáo lớn ở Trung Đông, châu Á, châu Phi cùng cộng đồng người Hồi giáo tại các nước châu Âu, châu Mỹ… Trong số này, có nhiều thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với ưu đãi lớn về thuế quan. Do đó, đây là thị trường cần được quan tâm, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.
Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) Ramlan Bin Osman cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu bởi thị trường này hiện mới chỉ được đáp ứng 10% nhu cầu.
Theo đó, Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào, gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây. Đồng thời, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu giúp thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống phục vụ các du khách Hồi giáo.
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Thị Điệp Hà thông tin, Pakistan là một trong 3 thị trường Halal lớn nhất thế giới và hiện đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Do đó, cơ hội cho sản phẩm Halal xuất khẩu từ Việt Nam là rất lớn.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Văn Hiệp, năm 2024, ngành đã xuất khẩu 700 nghìn tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD. Hiệp hội rất chú trọng tới thị trường Halal khi tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu đều có chứng nhận Halal cùng các chứng nhận chất lượng khác. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn là Mỹ, đi kèm với yêu cầu có chứng nhận Halal nhiều nhất, chiếm 30% toàn bộ sản lượng xuất khẩu; tiếp đến là châu Âu, Australia, Trung Đông.
Xây dựng hệ sinh thái Halal bài bản
Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Thống kê cho thấy, gần 60 tỉnh, thành phố nước ta có các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Halal toàn cầu nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ Halal. Với những quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành. Do đó, Việt Nam có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ các nhà cung ứng sản phẩm này.
Đáng chú ý, thị trường Halal vẫn rất mới mẻ với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn tới tâm lý e ngại, chưa đầu tư bài bản cho sản phẩm và chưa tạo được thương hiệu mạnh...
Theo ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia, song nhiều nhà nhập khẩu, phân phối ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ này để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại, khi dân số Hồi giáo ở quốc gia này chiếm tới 60%. Đại diện Thương vụ Malaysia khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu.
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Trương Xuân Trung kiến nghị, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý về Halal, trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE mới được ký kết sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và UAE.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia Hồi giáo về chứng nhận Halal, hỗ trợ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận Halal hơn để xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này. “Cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần có các hướng dẫn thủ tục, quy trình công nhận chứng nhận Halal, hỗ trợ việc thúc đẩy hợp tác ký công nhận lẫn nhau về Halal, do nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận trực tiếp cho các sản phẩm của doanh nghiệp mà vẫn phải qua bên thứ ba”, ông Trương Xuân Trung nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm đối tác, còn các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò đầu mối cung cấp thông tin tình hình thị trường, có chỉ dẫn doanh nghiệp đi sâu vào các thị trường cụ thể, xây dựng các trang web nhằm giới thiệu tiềm năng hàng hóa Việt Nam và mời gọi bằng các ngôn ngữ của chính các nước trong thị trường Halal…