TP Hồ Chí Minh: Gần 2 triệu lượt khách đến các điểm du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ
Khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí,… tại thành phố Hồ Chí Minh ước khoảng 1.950.000 lượt, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngày 4-5, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí,.. trên địa bàn ước gần 2 triệu lượt, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024 là 969.000 lượt).
Trong đó, khách quốc tế ước khoảng 120.000 lượt, tăng 122,2% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024 là 54.000 lượt).
Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 867.000 lượt, tăng 333,5% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024 là 200.000 lượt). Công suất phòng ước đạt khoảng 95%, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024 là 75%).
Doanh thu ước đạt 7.138 tỷ đồng, tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024 là 3.235 tỷ đồng).
Ghi nhận trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, công suất phòng tại các khách sạn từ 1 đến 5 sao ở khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 95% đến 100%, riêng khối 4 - 5 sao nhiều đơn vị đã không còn phòng trống trong các ngày cao điểm từ ngày 27-4 đến 1-5.
Ở các khu vực lân cận trung tâm, các cơ sở lưu trú cũng ghi nhận công suất phòng đạt từ 80% trở lên.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại thành phố ghi nhận sức mua các chương trình du lịch nội đô, ngắn ngày tăng mạnh, khoảng 30% - 35% so với năm 2024.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 20-4 đến 4-5 (15 ngày), khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí,... ước khoảng 2,7 triệu lượt. Khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ước khoảng 355.000 lượt. Tổng doanh thu ước đạt 15.707 tỷ đồng.
Một số chương trình du lịch văn hóa, di tích lịch sử, có chiều sâu nội dung, thuyết minh, kết hợp trải nghiệm thực tế và ẩm thực địa phương tăng từ 30 - 50%, như: “Dấu ấn Sài Gòn – Gia Định”, “50 năm trở lại”; chương trình du lịch xe buýt hai tầng, ăn tối trên tàu, tham quan Địa đạo, Củ Chi đã kín chỗ từ đầu tháng 4. Khách đi tour nội đô chủ yếu là nhóm gia đình, bạn trẻ hoặc người lớn tuổi có nhu cầu trải nghiệm ngắn.
Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách chọn khởi hành du lịch trễ có xu hướng tăng, tuy nhiên xu hướng chính là ở lại thành phố và tham gia tour nội đô, hành trình về nguồn, khám phá không gian lịch sử nhân dịp 50 năm ngày thống nhất.
Ngoài ra, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp cùng với các sở, ngành và UBND huyện Bình Chánh triển khai tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Bình Chánh năm 2025 và Đại lễ Vesak, thu hút sự tham gia của 13.500 đại biểu là tăng ni, phật tử và hàng triệu lượt khách tham gia Đại Lễ Vesak và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch.
Sở Du lịch cũng đã giới thiệu 9 chương trình du lịch từ 1 đến 2 ngày cho các đại biểu trải nghiệm, tìm hiểu về các di tích, địa điểm du lịch, sản phẩm làng nghề, các hoạt động văn hóa tại huyện Bình Chánh và khu vực lân cận; đẩy mạnh truyền thông, thực hiện bộ ảnh 50 điểm đến biểu tượng của du lịch thành phố, phim ngắn (TVC) “50 Flashes” quảng bá hình ảnh đất nước, con người thành phố trong Đại lễ Vesak Liên hợp quốc; có gian hàng quảng bá thông tin, quảng bá về du lịch, như: Làng nghề se nhang, làng nghề mai vàng; bán quà lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.
Ngày 4-5, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thông tin, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 toàn tỉnh ước đón trên 700.000 lượt khách, tăng 48,9% so với dịp nghỉ lễ năm 2024. Trong đó, có trên 124.000 lượt khách quốc tế, tăng 112,9% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu du lịch ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 43,9% so với dịp nghỉ lễ năm 2024.