Hướng tới ASIAD, Olympic:Thể thao trọng điểm vẫn “khát” chuyên gia ngoại
Trong bối cảnh thể thao thành tích cao Việt Nam đang đặt mục tiêu lớn tại ASIAD và Olympic, việc đầu tư chiều sâu cho các môn thể thao trọng điểm luôn được xem là chiến lược then chốt, trong đó có việc thu hút, giữ chân chuyên gia ngoại.
Tuy nhiên, đi kèm với lợi thế là hàng loạt thách thức, khiến bài toán chuyên gia ngoại cho thể thao trọng điểm đến giờ vẫn chưa có lời giải.
Những khoảng trống chưa thể lấp

Ở các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) hay Thế vận hội (Olympic), thành tích thể thao Việt Nam vẫn trông chờ vào những môn thể thao trọng điểm như: Bắn súng, bắn cung, cử tạ, điền kinh... Đây đều là những môn có tiềm năng giành huy chương, đặc biệt nếu được đầu tư bài bản và có sự dẫn dắt của đội ngũ chuyên gia giỏi. Tuy nhiên, nghịch lý là dù được xếp vào nhóm trọng điểm, nhiều môn lại đang thiếu vắng hoặc không giữ chân được chuyên gia nước ngoài.
Đơn cử như ở môn điền kinh, kể từ khi chia tay chuyên gia người Bulgaria Simeonov (năm 2022), người có công lớn trong việc nâng tầm nhóm vận động viên chạy trung bình và dài, giúp Việt Nam thống trị các nội dung này tại SEA Games, đội tuyển gần như không có chuyên gia ngoại nào gắn bó lâu dài.
Tương tự, môn cử tạ, sau 12 năm chia tay người dẫn dắt đến từ Bulgaria - chuyên gia Deikov, nhóm vận động viên trọng điểm của đội tuyển như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền hay Trịnh Văn Vinh vẫn chưa có huấn luyện viên ngoại thay thế. Dù gặt hái được nhiều thành tích đáng kể, song với các sân chơi đỉnh cao như ASIAD hay Olympic, việc chạm vào tấm Huy chương vàng vẫn còn là mục tiêu lớn của những cái tên kể trên.
Ở môn bắn súng, kỳ tích tại Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng được kỳ vọng là điểm tựa đưa bộ môn thể thao này bước vào một chu kỳ phát triển mới. Thế nhưng sau khi chia tay chuyên gia Hàn Quốc Park Chung-gun, đội tuyển rơi vào trạng thái hụt hơi, đặc biệt là trong khâu huấn luyện kỹ thuật và tâm lý thi đấu. Không có chuyên gia ngoại đồng nghĩa với việc các huấn luyện viên nội phải “gồng mình” đảm nhận tất cả các khâu, từ kỹ chiến thuật đến phân tích tâm lý - điều vốn là điểm mạnh của các chuyên gia đến từ các cường quốc thể thao như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ hay Trung Quốc.
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, một trong những lý do khiến các môn thể thao mũi nhọn thiếu chuyên gia ngoại là do kinh phí của đội tuyển hạn chế, trong khi việc thuê chuyên gia nước ngoài, nhất là từ các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nga... đòi hỏi mức lương cao, từ 3.000 đến 7.000 USD/tháng, chưa kể chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm và các điều kiện làm việc đi kèm. Với ngân sách thể thao như hiện nay, việc duy trì lâu dài một đội ngũ chuyên gia ngoại là thách thức không nhỏ.
Cần đầu tư đúng trọng điểm, dài hơi
Tại hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 do Cục Thể dục thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây, các nhà chuyên môn cùng thống nhất về việc đưa các môn: Bắn súng, bắn cung, cử tạ và điền kinh vào nhóm trọng điểm để tranh chấp huy chương, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để nâng chất lượng đội ngũ vận động viên, trong đó có việc thu hút, giữ chân chuyên gia ngoại.
Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam) Hoàng Quốc Vinh cho rằng, để có sự thay đổi mang tính đột phá về phương pháp huấn luyện, cần có chuyên gia ngoại với cách tiếp cận mới, hiện đại để giúp các vận động viên trọng điểm của đội tuyển vững vàng ở các sân chơi nhiều áp lực như Olympic, ASIAD. “Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẵn sàng chi mức lương tối đa 8.000 USD/tháng cho chuyên gia ngoại của nhóm vận động viên trọng điểm ở các đội tuyển quốc gia. Đây được xem là mức lương khá cao, có thể thu hút các chuyên gia ngoại giỏi từ nhiều nước khác. Vấn đề là bộ phận liên quan phải tìm đúng người đáp ứng yêu cầu chuyên môn”, ông Hoàng Quốc Vinh khẳng định.
Trong khi đó, Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh chỉ ra: “Thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa nguồn tài chính thuê chuyên gia cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa, góp phần tạo sinh lực mới cho hoạt động huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên thể thao trọng điểm”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, chiêu mộ chuyên gia nước ngoài không chỉ là giải pháp ngắn hạn cho mục tiêu giành huy chương, mà còn là chiến lược dài hơi để chuyển giao công nghệ huấn luyện, hiện đại hóa nền thể thao nước nhà. Điều quan trọng là phải có cơ chế để chuyên gia làm việc hiệu quả và truyền được kinh nghiệm cho đội ngũ huấn luyện viên trong nước. Có như vậy mới mong tạo đột phá về thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường như ASIAD hay Olympic trong thời gian tới.