Kỳ họp với những quyết sách lịch sử
Ngày mai (5-5), kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội.

Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử với nhiều quyết sách hệ trọng như sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và một số luật phục vụ việc tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Là kỳ họp dài nhất (với 2 đợt từ ngày 5 đến 29-5 và từ ngày 11 đến 28-6), kỳ họp thứ chín dự kiến sẽ thông qua 30 luật và 7 nghị quyết. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Các luật trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính đến giáo dục, lao động; từ quản trị nhà nước đến khoa học, công nghệ…thể hiện quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản về thể chế trên các lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, biến chính sách, pháp luật thành động lực phát triển đất nước.
Một trong những nội dung của kỳ họp này được cử tri quan tâm nhiều nhất là chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy và các cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho phát triển kinh tế - xã hội ở những lĩnh vực, địa phương trọng điểm.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là những việc khó, phức tạp. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm chính quyền gần dân hơn, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì thế, từ nhiều tháng nay, các ủy ban của Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình kỳ họp thứ chín.
Ngay trước kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; những vấn đề mới đặt ra được cử tri quan tâm, phản ánh. Dù bàn vấn đề gì, sửa đổi luật nào hay xây dựng nghị quyết ra sao đều phải lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, gắn kết hài hòa với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trên tinh thần đó, cử tri cả nước mong muốn, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo và đưa ra những quyết sách đúng đắn để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” thể chế, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã quán triệt sâu sắc định hướng của Đảng về công tác lập pháp và cải cách thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, phải biến thể chế từ “điểm nghẽn” trở thành lợi thế cạnh tranh - việc xây dựng, ban hành pháp luật cần kịp thời, bám sát thực tiễn để không “chậm trễ, mất cơ hội”. Đây chính là kim chỉ nam cho hành động của Quốc hội, đó là phải chủ động hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.
Chưa bao giờ có nhiều việc lớn, hệ trọng được giải quyết cùng lúc như hiện nay. Kỳ họp thứ chín diễn ra trong bối cảnh chúng ta “vừa chạy, vừa xếp hàng” để tinh gọn bộ máy; chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội, cử tri tin tưởng, kỳ họp thứ chín sẽ đáp ứng những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi.
Trước trọng trách lớn lao này, mỗi đại biểu Quốc hội càng nhận thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm đang gánh vác. Tất cả vì mục tiêu chung là hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.