5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đôBài 2: Gắn bảo tồn với phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc
Một trong những thành công nổi bật sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình), đó là thành phố luôn chú trọng bảo tồn gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Triển khai Kế hoạch 253/KH-UBND giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội cơ cấu nguồn vốn cho nội dung 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch”, với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hoá cơ sở, các nhà văn hóa ở các thôn vùng DTTS và miền núi trong danh mục các dự án thuộc Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ngày 26-4-2024, Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”. Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền được xây dựng tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì - nơi có trên 98% là đồng bào người Dao sinh sống với nghề làm thuốc nam truyền thống.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây là dự án nổi bật nhằm góp phần thực hiện các kế hoạch của thành phố và của ngành về triển khai xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS số tại huyện Ba Vì.
.jpeg)
Vân Hòa là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, với khoảng 48% người dân tộc Mường. Hơn ai hết, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà nhận thức rõ tầm quan trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc mình với phát triển du lịch địa phương.
Nhờ thực hiện Chương trình, xã Vân Hòa được thành phố, huyện quan tâm đầu tư các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn. Cụ thể là bảo tồn văn hóa chiêng Mường, khôi phục trang phục dân tộc Mường. Cùng với các hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn chiêng Mường để bà con dân tộc hiểu và bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
“Mỗi bộ chiêng Mường có giá khoảng 40-50 triệu đồng. Trên địa bàn xã có 11 thôn, có tới 13 đội chiêng gồm khoảng 15 thành viên/đội. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức truyền dạy tiếng Mường cho con trẻ để giao tiếp hằng ngày… Đó là thành công lớn của Chương trình khi thực hiện các dự án trên địa bàn xã thời gian qua”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ.
Tại huyện Ba Vì, địa phương đã tổ chức phát thanh tiếng dân tộc Mường trên hệ thống Đài Truyền thanh các xã miền núi vùng dân tộc thiểu số 2 lần/tuần; tổ chức thành công đợt tập huấn chiêng Mường tại 3 xã Yên Bài, Vân Hoà, Tản Lĩnh và tổ chức cấp cồng chiêng cho UBND các xã miền núi quản lý, sử dụng và bảo quản để thực hiện việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mường.
Đặc biệt, văn hóa vùng đồng bào DTTS ở Hà Nội không chỉ được bảo tồn, phát triển, mà còn được khai thác trong phát triển du lịch. Tại xã Minh Quang, có nhiều đơn vị khai thác du lịch đang liên kết với các câu lạc bộ cồng chiêng của các thôn để biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Đó là việc làm thiết thực, vừa quảng bá nét văn hóa Mường, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Thế hệ trẻ chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình

Huyện Thạch Thất có 30 dân tộc sinh sống, trong đó, các DTTS gồm 13.054 người, chiếm 5,68% dân số. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm 94,66% tổng số DTTS toàn huyện. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng, song luôn gắn kết, hòa quyện với nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương.
Trên địa bàn huyện có 15 câu lạc bộ (CLB) chiêng, trong đó có 1 CLB ở xã Tiến Xuân, 4 CLB ở xã Yên Trung và 10 CLB ở xã Yên Bình. Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường nói chung, văn hóa chiêng Mường nói riêng, huyện Thạch Thất tích cực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghệ thuật đánh chiêng.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm CLB chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân chia sẻ, CLB của xã được thành lập từ năm 2014 với 25 thành viên. Đến năm 2008, mỗi thôn đều thành lập đội chiêng của mình với tổng số 84 thành viên. Ngoài việc các đội tự góp tiền mua sắm bộ chiêng để biểu diễn, huyện trang bị 17 bộ chiêng cho các thôn của xã Tiến Xuân và mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đánh chiêng cho thành viên của các đội.
“Việc thành lập các CLB, đội chiêng Mường nhằm duy trì thường xuyên các hoạt động biểu diễn tập thể, truyền tải nghệ thuật biểu diễn chiêng tới thế hệ sau. Như vậy, nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường sẽ không bị quên lãng”, bà Bùi Thị Bích Thìn nói.
Là người có uy tín của xã Yên Trung, ông Đinh Quang Thọ phấn khởi khi thành phố cũng như huyện Thạch Thất triển khai các dự án trong Chương trình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Mường của ông. Hiện nay, xã Yên Trung có hơn 4 nghìn dân, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 85%.
Theo ông Đinh Quang Thọ, nhờ triển khai Chương trình nên thành phố và huyện đã đầu tư cho 7 cụm dân cư của 4 thôn bộ cồng chiêng để duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mường trong các dịp lễ, tết, năm mới. Bà con dân tộc Mường vẫn mặc các trang phục truyền thống, nói tiếng Mường để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.

“Mới đây, UBND xã còn phối hợp với Trường Tiểu học Yên Trung tổ chức ngày hội trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường cho các em học sinh. Các CLB cồng chiêng của xã thường xuyên biểu diễn phục vụ mỗi khi có đoàn khách du lịch đến địa phương. Những hoạt động này thực sự có ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ trong đồng bào DTTS bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình”, ông Đinh Quang Thọ chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tấu chiêng là hoạt động văn hóa, văn nghệ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân vùng núi, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Việc bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được thực hiện tích cực, kịp thời. Qua đó, tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của đồng bào dân tộc Mường tại 3 xã miền núi”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Còn tại huyện Quốc Oai, có 2 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số là xã Phú Mãn và Đông Xuân với 22 dân tộc thiểu số gồm 7.229 người, chiếm 3,47% dân số toàn huyện. Quốc Oai trở thành một trong 5 địa phương có đông người dân tộc Mường sinh sống tập trung của Thủ đô. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được huyện quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào DTTS, huyện trang bị 18 bộ cồng chiêng cho hai xã (mỗi thôn 1 bộ), trang bị trang phục truyền thống cho hai đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã. Đồng thời, địa phương này cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để bà con giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo công chúng.

Các đội cồng chiêng còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện do xã, huyện tổ chức. Việc sân khấu hóa cồng chiêng đã góp phần phổ cập, quảng bá đến đông đảo quần chúng nhân dân. Hằng năm, UBND huyện Quốc Oai còn tổ chức hội thi như: Nét đẹp bản Mường; biểu diễn cồng chiêng, dân ca; thể thao dân tộc thiểu số..., thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia và cổ vũ, góp phần giáo dục ý thức cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Mường ở Quốc Oai.
“Các hoạt động tập huấn nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của đồng bào dân tộc Mường, giúp đồng bào truyền giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là cơ hội để bà con thể hiện, giới thiệu những nét đẹp của cồng chiêng Mường. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai”, ông Hoàng Nguyên Ưng chia sẻ.
(Còn nữa)