Văn học nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới: Thời cơ và thách thứcNhững tín hiệu nhỏ mang theo kỳ vọng lớn
Văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, đồng thời cũng được nuôi dưỡng từ chính dòng chảy ấy. Điều đó cho thấy xã hội không chỉ là bối cảnh mà còn là yếu tố chi phối trực tiếp đến quá trình sáng tạo.
Trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới, đồng thời cũng đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, việc nhận diện rõ ràng ranh giới giữa thời cơ và thách thức lúc này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hào quang quá khứ, thách thức hiện tại
Trong quá khứ, văn học nghệ thuật từng là một thứ vũ khí đặc biệt sắc bén trong những cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước. Văn nghệ sĩ đã trở thành những chiến sĩ quả cảm, dấn thân trên mặt trận không tiếng súng nhưng đầy gian khó, sáng tạo.
“Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, câu thơ ấy như một lời khẳng định sức mạnh kỳ diệu của nghệ thuật, góp phần làm nên những kỳ tích được ghi vào lịch sử. Từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, những tên tuổi lớn như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Đỗ Nhuận... đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bằng những tác phẩm sống mãi với thời gian. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các bản hùng ca, những khúc nhạc hào sảng của Hoàng Vân, Doãn Nho, Huy Du, Huy Thục, Phạm Tuyên... đã làm lay động lòng người, tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến.
Trên các trang viết, các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh... cũng đã để lại những tác phẩm bất hủ, gây ấn tượng khó quên trong lòng độc giả. Đó là những bài thơ, bài hát làm rung động hàng triệu trái tim như “Tiểu đội xe không kính”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp); “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho); “Vì miền Nam” (Huy Thục); “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân)...
Không thể phủ nhận những tác giả, tác phẩm thời kỳ ấy đã làm nên một nền văn học nghệ thuật đặc sắc, văn học nghệ thuật của cái thiện thắng cái ác, cái yếu thắng cái mạnh, cái riêng hòa vào cái chung...
Tuy nhiên, chớp lửa chiến tranh, hào quang chiến thắng là cơ hội cho tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong quá khứ nhưng cũng là thách thức đối với văn nghệ sĩ trong hiện tại.
Năm 1975, non sông thống nhất, đất nước bước vào thời kỳ mới, hòa bình và tái thiết sau chiến tranh. Đứng trước thách thức đó, nhiều tác giả đã tìm tòi, thể nghiệm những chủ đề mới, tư duy mới, phong cách mới. Về văn xuôi có lẽ cái tên được gọi đầu tiên phải là Nguyễn Minh Châu.
Một loạt tác phẩm của ông đã tạo được sức hấp dẫn lớn với độc giả như “Bức tranh”, “Mảnh trăng cuối rừng”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát”. Chúng hấp dẫn độc giả không chỉ bởi cái lạ đơn thuần mà là cái mới từ cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm, cách quan sát, đánh giá và diễn ngôn hiện thực. Không “vay mượn hào quang quá khứ” để bắt đầu cái mới là một thách thức, thách thức đối với chính những người sáng tạo, nhất là những người đã “bừng sáng” trong ánh hào quang ấy.
Một loạt những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà đạo diễn, biên kịch đã chọn con đường dấn thân cho văn học nghệ thuật, không chấp nhận “ngủ yên” với những thành công của chính mình. Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Hiển, Ma Văn Kháng... với nhiều tác phẩm mới xuất hiện trong thời gian này đã gây tiếng vang lớn trong làng văn và trong toàn xã hội. Nhiều tác phẩm được độc giả truyền tay nhau đọc, bình luận, đánh giá. “Cù Lao Tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng không chỉ được bình luận sôi nổi trên văn đàn mà còn sôi động ngay trong các cuộc “trà dư, tửu hậu” trên vỉa hè, trong công viên, thậm chí cả trong chợ giữa các bà chủ sạp hàng tạp hóa.
Sôi động hơn phải kể đến những vở kịch “rất đời” của các tác giả: Lưu Quang Vũ với “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Khoảnh khắc và vô tận”; Xuân Trình với “Xóm vắng”, “Mùa hè ở biển”; Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm với “Nhân danh công lý”; Lê Quý Hiền với “Hão”... Cái lạc hậu, cái cũ rích, cái giả dối lại được che đậy bởi cái “tưởng là đúng”, “cho là đúng” đã tạo nên những bi hài kịch không chỉ trên sân khấu mà còn trong đời sống xã hội. Việc bóc trần những điều ấy trở thành nguồn cảm hứng mới mẻ, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Cánh cửa rộng mở đối với văn học nghệ thuật
Từ dấu mốc Đổi mới, quan điểm của Đảng về văn hóa toàn diện, sâu sắc đã mở ra không gian mới cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Các quan điểm như “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, “là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”..., cùng với quyết tâm đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đã tạo nên điều kiện hết sức quan trọng để văn học nghệ thuật phát triển.
Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với những chủ trương về chủ động hợp tác quốc tế về văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa..., cánh cửa sáng tạo văn học nghệ thuật thực sự rộng mở.
Trước hết, quan điểm rộng mở, sâu sắc, toàn diện của Đảng cùng với chính sách ưu tiên xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã trở thành nền tảng cơ bản cho sự phát triển của văn học nghệ thuật. Sự phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo ra cơ sở vật chất thuận lợi hơn nhiều so với trước Đổi mới, đồng thời cung cấp nguồn lực dồi dào cho hoạt động sáng tạo. Vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, với chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, nền kinh tế mở và hợp tác toàn diện với khu vực và thế giới, là cơ hội quý báu để văn học nghệ thuật giao lưu, học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là mảnh đất tốt cho sáng tạo nghệ thuật.
Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng ngày càng được đào tạo bài bản, có điều kiện tiếp cận với các xu hướng, trường phái văn học nghệ thuật tiên tiến trong và ngoài nước, làm phong phú thêm khả năng tìm tòi, sáng tạo.
Có thể nói, “đất diễn” của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang rất rộng mở; điều kiện “ra biển lớn” đã khá rõ ràng. Vấn đề là làm thế nào khai thác tốt những cơ hội ấy để có những tác phẩm xứng tầm, đáp ứng kỳ vọng của công chúng.
Tin tưởng và kỳ vọng
Cảm hứng của thời mở cửa, hội nhập, của kỷ nguyên vươn mình chắc chắn sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo. Các văn nghệ sĩ trẻ, được đào tạo bài bản, được tiếp cận với văn học nghệ thuật đương đại thế giới, được cổ vũ bởi công chúng trong nước và quốc tế, đang có nhiều cơ hội để sáng tạo và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của công chúng.
Với thiên chức sáng tạo và cống hiến, văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay chắc chắn sẽ có những đóng góp xứng đáng vào khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Niềm tin ấy, kỳ vọng ấy có cội nguồn từ quá khứ, từ truyền thống văn hóa - nghệ thuật luôn đồng hành cùng cách mạng, cùng dân tộc bước qua từng cột mốc lịch sử, làm nên những chiến thắng mà “cả năm châu chân lý đang nhìn theo”.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang hồ hởi bước vào kỷ nguyên mới; trong đoàn quân ấy, có các văn nghệ sĩ - đội ngũ sáng tạo đáng tin cậy của Đảng và nhân dân. Và thực tế, những tín hiệu đáng mừng đang dần xuất hiện: Tranh Việt đã bước ra thị trường quốc tế; điện ảnh Việt Nam đang ghi nhận những thành tựu mới; âm nhạc Việt không chỉ chạm tới trái tim người nghe trong nước mà còn được công chúng nước ngoài đón nhận.
Mới đây, ca khúc "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy cho thấy sự hòa quyện bất ngờ giữa quan họ và rap, mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật dân gian trong thời đại hiện đại. Đó là những tín hiệu nhỏ nhưng mang theo kỳ vọng lớn, bởi dường như văn nghệ sĩ Việt Nam đang dần tìm được lối đi riêng, độc đáo cho văn học nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.