Văn nghệ

Văn học đề tài chiến tranh cách mạng: Những thông điệp giàu ý nghĩa nhân vănChiến tranh vẫn là một đề tài lớn hấp dẫn người viết

Hạ Yến thực hiện 01/05/2025 - 06:29

Dẫu thể loại và đề tài trong văn chương ngày nay rất phong phú nhưng chiến tranh và người lính vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của cả người viết và người đọc. Hànộimới Cuối tuần ghi lại một số ý kiến về chủ đề này.

bo-doi.jpg
Hình tượng người lính đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Ảnh tư liệu

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:
Khám phá quá khứ chiến tranh để gặp gỡ với hiện tại

o-dung.jpg

Văn học Việt Nam viết về chiến tranh ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ hai với sự lộ diện dần những đặc điểm mới của nó trong sự tìm kiếm vất vả và quyết liệt của tư duy sáng tạo.

Khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự kể tả giản đơn, chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn người viết và cả người tiếp nhận. Số phận, đường đời, đặc trưng tính cách con người trong chiến tranh còn vô vàn những điều chưa biết, còn nhiều ẩn số có thể và cần thiết phải lý giải. Có nghĩa là, từ giai đoạn hai này, văn học đề tài chiến tranh không thể chỉ dừng lại ở việc tái dựng lịch sử chiến tranh như ta đã từng biết, mà văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ: Tiếp tục khám phá, khám phá lại, khám phá sâu thêm, mới thêm để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh đó.

Khám phá quá khứ chiến tranh để làm gì? Trong chiến tranh, để động viên, cổ vũ, vẫy gọi con người kiên gan bền chí. Còn khi chiến tranh đã lùi xa, không chỉ để thế hệ sau hiểu nhiều hơn, đúng hơn, sâu hơn về quá khứ đó, mà còn là khát vọng tìm trong quá khứ những bài học, những kinh nghiệm - cả thành công và thất bại - nhằm góp phần giải đáp những vấn đề ngày càng đa dạng và phức tạp đang đặt ra trong hiện tại, hôm nay và những năm sẽ tới. Đó là nhu cầu khám phá quá khứ chiến tranh để gặp gỡ với hiện tại. Phải chăng, đây là đặc trưng quan trọng nhất của hầu hết các tác phẩm văn học viết về chiến tranh ở giai đoạn hai này với rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, đều gắn liền, đan xen hai mảng hiện thực: Chiến tranh trong quá khứ và cuộc sống hiện tại.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Nam Thắng:
Câu chuyện không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại

o-thang.jpg

Trên thế giới, văn học về chiến tranh và người lính là một bộ phận không nhỏ của kho tàng văn hóa nhân loại, trong đó có nhiều tác phẩm bất hủ, vượt thời gian. Ở nước ta, đề tài chiến tranh và người lính là một dòng chảy văn học lớn, có nhiều thành tựu rực rỡ, hợp lưu cùng văn học Việt Nam hiện đại. Từ khi kết thúc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975, dòng chảy văn học này vẫn tiếp tục vận động với những chiều kích - sắc thái mới, góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam đương đại.

Thực tiễn đời sống văn học cho thấy văn thơ thời kỳ kháng chiến cứu nước có rất nhiều những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu dài, có giá trị trên nhiều mặt. Văn thơ về chiến tranh và người lính một thời gian dài là món ăn tinh thần của người đọc. Nếu có chăng chút đáng tiếc, thì dòng văn học ấy đến nay vẫn chưa rút ra một điều gì đó mang “tầm” khái quát triết học. Các thế hệ nhà văn viết về chiến tranh và người lính vừa qua mới làm được việc đưa tư tưởng vào trong văn học, nhưng tư tưởng không phải là văn học.

Thế hệ các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, thậm chí là thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, “đã hoàn thành sự nghiệp, nếu viết nữa cũng chỉ là sự kéo dài”. Vậy thế hệ nhà văn trẻ hôm nay cần những phẩm chất gì của người sáng tạo?

So với thế hệ cha anh, các nhà văn trẻ hiện nay có những điều kiện, những cơ hội hết sức thuận lợi để trở thành những “người của công chúng” trong sáng tác văn học, để thể hiện và khẳng định cá tính sáng tạo nghệ thuật của mình. Bởi vậy, ngay cả với đề tài chiến tranh và người lính vốn được coi là phải “nghiêm ngắn”, thì các nhà văn trẻ hôm nay vẫn có được những cách tiếp cận và thể hiện mới lạ. Họ không quan sát cuộc chiến bằng cuộc đời của mình, bằng sự trải nghiệm của bản thân, mà thông qua tư liệu và các tiện ích công nghệ. Họ được chuẩn bị kỹ càng về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Nguồn tài liệu về chiến tranh hiện nay quá phong phú, đầy đủ và tiếp cận rất dễ dàng.

Và, đã đến lúc chúng ta phải hiểu được câu chuyện chiến tranh tại Việt Nam không chỉ là của Việt Nam, mà còn là câu chuyện của nhân loại. Truyện ngắn “Ba người đàn bà trên sân ga” của Hữu Phương, được đưa lên màn ảnh, được Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương trao giải cao nhất, vì đó không chỉ là câu chuyện chiến tranh tại Việt Nam, mà là số phận con người, là câu chuyện hậu chiến có thể của bất kỳ quốc gia nào.

TS Đỗ Hải Ninh, nguyên Trưởng phòng Văn học đương đại, Viện Văn học Việt Nam:
Có thể thấy một dòng mạch sáng tác bền bỉ, liên tục

ba-ninh.jpg

Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, nhưng đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục phát triển và có thêm nhiều đóng góp mới, đó là văn chương về những nhân vật bước ra từ cuộc chiến, những dư chấn trong từng số phận, và có thể nói đến toàn bộ đời sống hậu chiến.

So với các đề tài khác (đề tài nông thôn, đề tài đô thị, hoặc đề tài lịch sử), đây vẫn là mảng đề tài được chú ý nhiều hơn bởi thực chất trong đa phần các tác phẩm thời hậu chiến, dấu ấn của chiến tranh vẫn còn in đậm trong từng câu chuyện. Kể cả khi tác giả đặt trọng tâm viết về thời bình thì bóng dáng chiến tranh vẫn thấp thoáng trong ký ức hay một phần đời của nhân vật. Văn học đã nói lên được nỗi đau của con người, đối thoại về sự tồn tại của con người và truy vấn những vấn đề của chiến tranh, nhận thức sâu sắc hậu quả do chiến tranh gây ra.

Nhìn từ phương diện đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm, có thể thấy một sự tiếp nối các thế hệ sáng tác và một dòng mạch bền bỉ, liên tục: Thế hệ tác giả trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến; thế hệ tác giả xuất hiện từ sau khi chiến tranh kết thúc; tác giả xuất hiện sau Đổi mới; tác giả xuất hiện trong thời kỳ hội nhập.

Các giải thưởng và sự quan tâm chú ý của người đọc dành cho sáng tác viết về mảng đề tài này khá nhiều. Văn xuôi viết về chiến tranh chống Mỹ cũng được giới thiệu, quảng bá ở nước ngoài và được đánh giá cao, không chỉ bởi những góc nhìn đa chiều về chiến tranh, bởi tinh thần nhân văn và sự khám phá đời sống con người, mà còn bởi những tìm tòi nghệ thuật, kết tinh giá trị văn hóa và tâm hồn Việt Nam. Thời gian cuộc chiến tranh kéo dài và độ lùi thời gian đủ để tạo nên những thế hệ viết về chiến tranh lật trở, soi chiếu theo những góc khác nhau. Các nhà văn hậu chiến có độ lùi thời gian, sự lắng chậm lại sau chiến thắng để suy ngẫm về những mất mát đau thương bằng một sự cộng cảm, chiêm nghiệm thực sự. Họ cất tiếng nói của văn chương, viết về chiến tranh và hậu quả chiến tranh trong nhận thức ở chiều sâu nhân văn.