TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh - Kỳ vọng một siêu đô thị

Nguyễn Lê 30/04/2025 12:34

Chủ trương sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành phố, trong đó hợp nhất tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh được xem là bước đi mang tầm chiến lược để hình thành siêu đô thị đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, các chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn thí điểm cách làm mới, tạo thêm cơ chế để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố sau sáp nhập.

tp-hcm.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng trở thành đô thị cạnh tranh toàn cầu.

Siêu đô thị tầm cỡ

Theo các chuyên gia, việc hợp nhất hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh mang tầm nhìn chiến lược, mở thêm không gian và dư địa phát triển của khu vực có hoạt động kinh tế sôi động nhất cả nước. Qua đó, mang lại nhiều cơ hội phát triển vượt bậc cho khu vực Đông Nam Bộ cũng như cả nước.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bình Dương có thế mạnh về hạ tầng đô thị với hệ thống giao thông được đầu tư bài bản, kết nối tốt và hệ thống các khu, cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, nổi bật là hệ thống khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

Sự kết hợp giữa những thế mạnh của Bình Dương với những thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu là hệ thống cảng nước sâu và tiềm năng du lịch biển sẽ bổ sung tiềm lực cho thành phố Hồ Chí Minh vốn có thế mạnh về nhiều lĩnh vực như nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, tài chính, thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao… Kết hợp thế mạnh của 3 tỉnh, thành phố sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực, đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị tầm cỡ khu vực.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích hơn 6.700km² (tăng hơn 220% so hiện tại); quy mô dân số gần 13 triệu người; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính hơn 2,7 triệu tỷ đồng (hơn 120 tỷ USD), chiếm khoảng 24% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.600 USD.

Thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất sẽ hình thành mô hình đô thị đa chức năng gồm trung tâm hành chính (lõi trung tâm hiện hữu và các vệ tinh) - công nghiệp (24.800ha) - cảng biển (nước sâu, trung chuyển) - dịch vụ (thương mại, tài chính, du lịch). Đô thị mở rộng này có tiềm năng trở thành “cực kinh tế ven biển” hàng đầu Đông Nam Á, tương lai có thể đóng góp hơn 35% GDP quốc gia nếu được quy hoạch, phát triển hiệu quả.

Cần khung pháp lý đặc thù

Kiến trúc sư Kevin Đoàn, Giám đốc thiết kế Công ty Landmark Architects Vietnam (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vùng kinh tế động lực như thành phố Hồ Chí Minh đã vượt ranh giới hành chính, nhưng cơ chế và khung pháp lý để quản trị vẫn chưa theo kịp nên chưa thể phát triển bứt phá ở tầm quy mô vùng.

Để rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành phố lớn trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh sau khi mở rộng phải xác định rõ đâu là thế mạnh, đâu là hạn chế, để phát huy tối đa thế mạnh, khắc phục hạn chế. Thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh là chi phí thấp (yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư), tốc độ tăng trưởng nhanh; trong khi thương hiệu toàn cầu, yếu tố tín nhiệm còn thấp.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với quy mô đô thị lớn hơn, thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất cần có một khung pháp lý đặc thù để quản lý siêu đô thị mới, bao gồm việc tổ chức chính quyền hai cấp, quy hoạch đất đai và điều phối các dịch vụ công. Thành phố phải xây dựng hệ thống quản trị thống nhất có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực minh bạch để ngăn ngừa tranh chấp và tối ưu hóa các khoản đầu tư, bảo đảm tăng trưởng cân bằng trên toàn bộ khu vực được sáp nhập. Đồng thời, thành phố cần khuyến khích sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nguồn lực công.

Do diện tích đô thị mở rộng gấp hơn 3 lần nên thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất cần cấp thiết đẩy nhanh xây dựng các đô thị vệ tinh với đầy đủ các tiện ích và dịch vụ xã hội, giảm áp lực cho các khu vực trung tâm hiện hữu. Các trung tâm giáo dục lớn của khu vực đào tạo nguồn lực cho chính quyền địa phương và cộng đồng để nâng cao khả năng quản lý và thích ứng với những thay đổi sau khi hợp nhất 3 tỉnh, thành và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Trúc Vân cho rằng, dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính và tiềm năng, trong đó tài chính, khoa học - công nghệ và du lịch là chủ lực. Việc hợp nhất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hiện thực hóa chiến lược hướng biển, phát triển kinh tế biển của thành phố Hồ Chí Minh với việc tận dụng lợi thế du lịch biển của thành phố Vũng Tàu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, Thường trực UBND thành phố thống nhất đề xuất tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh để tạo động lực cho vùng thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất Quốc hội điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 98/2023/ QH15 trong kỳ họp Quốc hội sắp tới để phù hợp với tình hình mới.