Cảnh báo “hậu quả thảm khốc” với Trung Đông nếu đàm phán Mỹ - Iran thất bại
Theo Iran International ngày 29-4, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein đã cảnh báo rằng, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nếu thất bại có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn với Asharq News ngày 29-4, ông Fuad Hussein đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Iraq đối với quá trình đàm phán giữa Washington và Tehran, cũng như thể hiện sự lạc quan về những kết quả sẽ củng cố sự ổn định trong khu vực.
Nói về tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, ông Hussein cho rằng động thái này khiến Iraq phải tìm kiếm các nguồn thay thế để nhập khẩu khí đốt quan trọng.
Hiện tại, nguồn cung cấp khí đốt của Iran chiếm khoảng 33% sản lượng điện của Iraq. Ông cũng cho biết Baghdad đang tích cực thảo luận với một số quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Iran.
Cùng ngày, The News International dẫn lời Bộ trưởng Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 28-4 rằng Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ không ngần ngại áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Tehran nếu an ninh châu Âu bị đe dọa bởi chương trình hạt nhân của Iran.
"Iran đã vượt qua mọi ranh giới mà họ cam kết tôn trọng và đất nước này đang trên bờ vực sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Jean-Noel Barrot nói với giới báo chí sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề hạt nhân Iran. Có một con đường ngoại giao để đạt được điều đó, nhưng đó là một con đường hẹp" - Bộ trưởng Barrot bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Tehran và Washington về vấn đề này sẽ đạt được kết quả, đồng thời lưu ý Pháp, Đức và Vương quốc Anh đang "liên lạc chặt chẽ" với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio .
Các cuộc đàm phán cấp cao nhất trong nhiều năm qua giữa Mỹ và Iran đang hướng tới một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, một mục tiêu mà Tehran phủ nhận để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi một thỏa thuận đa phương trước đó với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình năm 2018.
Iran hiện đang làm giàu uranium lên tới 60%, cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% theo thỏa thuận năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng 90% cần thiết đối với vật liệu cấp vũ khí. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cũng nhấn mạnh rằng một thỏa thuận với Iran là rất quan trọng.
Theo The News International, Iran International